Xem thêm "tin tức nội thất gia đình Đăng Khoa mart Sửa máy văn phòng Có một “Hà Lan” trên sông Cửu Long GuidePedia

0

Trong những ngày lũ uy hiếp ĐBSCL, nhiều địa phương phải gồng mình chống chọi với nạn vỡ đê, chúng tôi về Tân Châu - thị xã đầu nguồn của tỉnh An Giang và không khỏi bất ngờ trước hình ảnh người dân dồn sức khai thác lợi thế từ nước lũ bằng nhiều mô hình nuôi trồng có giá trị kinh tế cao.

Bởi đơn giản một điều: Tân Châu đã xây dựng được đê bao thắng lũ nên không có vỡ đê, không có đường ngập... GS-TS Võ Tòng Xuân sau một ngày đi thực tế, đã không tiếc lời khi khen đây là “Hà Lan trên sông Cửu Long”. Còn tôi, dù máu nghề nghiệp chạy rần rật, nhưng với tất cả sự thận trọng trước sự thất thường của thời tiết, đành nán đợi đến ngày tỉnh An Giang ban bố chấm dứt tình trạng lũ khẩn cấp (11.11) mới quyết định viết phóng sự này.

Một góc của đê bao kiểm soát lũ kiêm giao thông nông thôn và tuyến dân cư vượt lũ thuộc địa phận Tân Châu.
Một góc của đê bao kiểm soát lũ kiêm giao thông nông thôn và tuyến dân cư vượt lũ thuộc địa phận Tân Châu.

Đi xe hơi vào rốn lũ

Những ngày cuối tháng 9, giữa lúc nhiều địa phương từ đầu nguồn như Hồng Ngự, Tân Hồng, Thanh Bình (Đồng Tháp) cho đến hạ nguồn như Châu Thành, Châu Phú, Chợ Mới (An Giang) đang ngụp lặn với nạn vỡ đê làm thiệt hại hàng chục ngàn hécta ruộng lúa, vườn cây, nhấn chìm hàng ngàn cây số đường giao thông nông thôn khiến hàng trăm ngàn học sinh nghỉ học, tôi tìm đến thị xã Tân Châu - địa phương đầu nguồn của tỉnh An Giang - với biết bao dự tính: Săn được ảnh đẹp, ghi chép nhiều câu chuyện cảm động về tình cảnh ngập lũ...

Thế nhưng, tất cả đã tan thành mây khói khi Chủ tịch UBND thị xã Tân Châu - ông Nguyễn Văn Lên - mở đầu buổi làm việc một cách sảng khoái: “Năm nay, Tân Châu không có vỡ đê, giao thông nông thôn thông suốt nên cũng không có học sinh nghỉ học”. Tiếc bao công sức đã chuẩn bị trước lúc lên đường, tôi tìm cách từ chối thiện chí bố trí người đưa đi thực tế để tự mình săn tìm... Không đi theo tỉnh lộ 952, từ trung tâm huyện lỵ, tôi quyết định lên đầu nguồn sông Cửu Long theo tuyến kênh Bảy Xã - nơi có địa hình trũng thấp nhất ở địa phương đầu nguồn với hy vọng...

Nhưng thật bất ngờ, giữa lúc lũ đang lên đỉnh và hoành hành khắp vùng ĐBSCL, tuyến đê bao bảo vệ sản xuất kiêm giao thông nông thôn ở đây vẫn vững chãi như trường thành bất khả xâm phạm. Không hề có cảnh hớt hải dọn nhà vác đồ, không hề có cảnh ngụp lặn cắt lúa non chạy lũ. Mọi sinh hoạt ở đây vẫn diễn ra bình thường như “chẳng có gì” ảnh hưởng đến cuộc sống thanh bình. Người lớn thì túm tụm quanh các tay lưới thu hoạch sản vật mùa nước nổi: Cá, cua, ốc... Còn trẻ em thì tung tăng đến trường học chữ. Giữa biển nước đầu nguồn vẫn đầy ắp tiếng trẻ đọc bài khiến tôi nhớ đến lời khen của TS Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Sở GDĐT An Giang - dành cho Tân Châu trong buổi trò chuyện trước lúc tôi lên đường: “Là địa phương đầu nguồn, nhưng Tân Châu vẫn duy trì được việc dạy học an toàn trong lũ”.

Không chỉ vượt lũ với mặt đường trải nhựa và rộng đến mức chiếc xe 7 chỗ ngồi dễ dàng đưa chúng tôi đi suốt tuyến đê bao, mà đê bao ở đây còn như ngạo nghễ trước biển lũ. Trưởng phòng Kinh tế thị xã Tân Châu - ông Phan Văn Dũng - cho biết: “Sau khi kè đá hoặc trồng cỏ vetiver với mục đích kiên cố hoá thân đê, chúng tôi tiếp tục trồng tre dọc theo chân đê làm vành đai xanh chắn sóng từ xa...”.

Vừa nghe tôi kể, GS-TS Võ Tòng Xuân đã hạ quyết tâm đi thăm cho bằng được. Sau khi trải qua đoạn đường gần 100 cây số, trời đã tối, vị GS già lại hạ quyết tâm tuần sau. Và tuần sau, ông lại lặn lội hơn 200 cây số từ Đại học Tân Tạo - nơi ông làm hiệu trưởng - về lại Tân Châu đúng hẹn. Sau một ngày đi thực tế, GS Xuân không tiếc lời khen và gọi đây là “Hà Lan trên sông Cửu Long”. Bởi không chỉ vượt lũ, Tân Châu còn có cả phương án khai thác lợi thế từ mùa lũ để làm giàu bền vững.

Đê bao “4 trong 1”

Hoàn toàn ngẫu nhiên, người đầu tiên tôi gặp lại là anh Nguyễn Văn Phi - ngụ ấp 4, xã Vĩnh Xương, “nhân vật đau khổ” trong các bài báo tôi viết trong mùa lũ năm 2000. Lũ cao, sạt lở nhấn chìm toàn bộ đất “gia bảo” ven sông Tiền, gia đình 5 nhân khẩu của anh lâm vào cảnh ăn nhờ ở đậu. Đang ngồi cùng vợ chuẩn bị lọp săn ếch, gặp tôi, anh Phi vui vẻ mời vào nhà. Đó là cơ ngơi khá khang trang nằm trong tuyến dân cư vượt lũ cặp con lộ liên xã Vĩnh Xương - Phú Lộc, cũng là tuyến đê bao kiểm soát lũ cho cánh đồng hơn 1.000ha thuộc 3 xã đầu nguồn của thị xã Tân Châu.

Khác với những căn nhà “hình bao diêm” thường thấy trên các tuyến dân cư ở ĐBSCL, nhà ở đây được thiết kế kiểu “biệt thự nông thôn”: Ngoài nền nhà, còn có diện tích trồng cây, chăn nuôi... Ngồi uống trà dưới bóng xoài rợp mát trước sân, anh Phi hớn hở: “Năm 2002, lúc mới được bố trí về đây, tôi cứ ngỡ là hết đường sống. Nhưng vào rồi, mới thấy sướng. Nhà cửa rộng rãi lại không lo ngập lũ nên vợ chồng tôi yên tâm làm ăn và làm ăn ngày càng tấn tới”. Theo lời anh Phi, chỉ cất nhà 4m x 12m trên diện tích 8m x 12m để tận dụng phân nửa còn lại trồng cây cà, cây ớt đỡ tiền chợ, vừa tổ chức chăn nuôi tăng thêm thu nhập. “Mỗi hộ còn được hưởng lợi từ 2-3 bụi tre bảo vệ đê trước nhà để làm lờ, lọp đánh bắt thủy sản mùa lũ” - anh Phi sôi nổi hơn. Mỗi nhà được tận dụng con mương 8m x 10m sau hè (sau khi đào đất đắp tuyến dân cư) để nuôi trồng thuỷ sản.

Đây cũng không phải là trường hợp cá biệt. Trong những ngày lưu lại Tân Châu, sau những chuyến lùng vào tận ngóc ngách, tôi thật sự tâm phục khẩu phục với nhận định: Tân Châu thắng lũ đầu nguồn, tất cả đều nhờ vào hiệu quả của đê bao “4 trong 1”. Chủ tịch thị xã Tân Châu cho biết: “Một trong những nguyên tắc khi chúng tôi xây dựng đê bao là phải kết hợp và phát huy hiệu quả đa mục tiêu: Gắn theo hơn 140km đê bao kiểm soát lũ với hệ thống cổng, bửng điều tiết nước là tuyến dân cư và các công trình an sinh xã hội gồm trạm y tế, trường học, chợ, giao thông nông thôn để trải nhựa mặt đê...”. Điều này không chỉ tạo quy mô bên ngoài (bình quân hơn 20m) mà còn tăng thêm sức mạnh từ bên trong mỗi thân đê.

Nhưng theo ông Nguyễn Văn Lên, hiệu quả nhất ở đây chính là làm cho người dân thích vào tuyến dân cư vượt lũ với tâm thức “an cư lạc nghiệp”, qua đó biến mỗi người dân thành nhân viên tích cực tu bổ, bảo vệ đê. Có lẽ nhờ có phương án chu đáo nên dù có những thời điểm hết sức khó khăn, nguy hiểm, nhưng Tân Châu đã an toàn vượt qua trận lũ lịch sử 2011.

Vui đầy theo con nước

“Mùa lũ năm nay bên cạnh niềm vui thu hoạch trọn vẹn 11.528ha lúa, hoa màu vụ thu đông, Tân Châu còn thắng lớn với các mô hình tận dụng lợi thế mùa lũ để nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế cao mà thị xã đã chủ động khơi mào” - ông Lên nói một cách đầy tự tin. Thật vậy, mùa lũ năm nay, về Tân Châu đi đâu cũng thấy cái không khí tất bật “ăn nên làm ra”. Do không phải bận “đánh giặc lũ” bảo vệ lúa, rau màu... nên nhiều người dân dồn sức khai thác lợi thế từ nước lũ mang lại. Ngay cả người vừa thoát cảnh “ăn nhờ ở đậu” như anh Phi cũng kiếm được vài chục triệu đồng. Tận dụng phần đất bên hông nhà nuôi cá lóc, rồi tranh thủ thời gian đi phun thuốc, sạ phân thuê, anh Phi đặt lọp chuột, lọp ếch... trên các kênh rạch về làm mồi cho cá. Chăn nuôi với phương thức “cây nhà lá vườn” kết hợp với nuôi cá từ mương sau nhà và bầy rắn hổ hèo đang kỳ sinh sản, tết này anh thu vào không dưới 40 triệu đồng. Còn những hộ có vốn thì mùa lũ năm nay được xem như cơ hội... hốt bạc.

Nhờ có đê bao thắng lũ và chủ động con giống, ông Trần Văn Mướp đã mở rộng quy mô nuôi lươn.
Nhờ có đê bao thắng lũ và chủ động con giống, ông Trần Văn Mướp đã mở rộng quy mô nuôi lươn.

“Năm nay dân nuôi lươn tụi tui ăn tết lớn”, trái với tâm trạng thấp thỏm, nơm nớp lo lũ gây vỡ đê, tấn công nhà cửa của nhiều người dân bên kia sông Tiền, lão nông Trần Văn Mướp - ngụ ấp Tân Lập, xã Tân An - mở đầu câu chuyện đầy sảng khoái: “Tôi xây thêm 18 bồn, nâng tổng số bồn nuôi lươn lên 24 cái với quy mô hơn 500m2. Tính theo năng suất bình quân 5kg/m2, tết này tôi thu hoạch khoảng 5.000kg, bán giá 120.000đ/kg, tổng thu nhập khoảng 600 triệu đồng, lãi ròng hơn 200 triệu đồng. Đó là chưa kể đến 4ha lúa thu đông vừa mới thu hoạch xong, đạt năng suất 6,5 tấn/ha, giá hơn 7.000đ/kg”.

Theo ông Mướp, lươn giá cao và dễ bán, lại rất dễ nuôi, chỉ cần tận dụng khoảng trống 20-30m2 quanh nhà, trải caosu thành bồn giữ nước là có thể nuôi được, nhất là vào mùa lũ, giá cá, ốc... thức ăn tươi của lươn rất rẻ... Thời gian qua, nhiều người chưa mở rộng được diện tích nuôi là do khan hiếm con giống. Lệ thuộc vào khai thác từ tự nhiên, gặp năm lũ thấp, giá lươn giống lên đến 60-70 ngàn đồng/kg (45-60 con) mà vẫn rất khó mua. Kể từ năm nay, nỗi lo đó không còn, bởi chỉ riêng tại khu vực 5 xã đầu nguồn: Tân An, Tân Thạnh, Phú Lộc, Vĩnh Xương, Vĩnh Hoà, số hộ tham gia nuôi lươn lên đến hơn 500 hộ với khoảng 1.500 bồn, diện tích hơn 2,5ha. Với năng suất bình quân 5kg/m2, tổng sản lượng lên đến khoảng 130.000kg. Nhiều khả năng thời gian tới con số này sẽ tăng với tốc độ phi mã, bởi Tân Châu đã bước đầu chủ động được con giống.

Anh Phan Văn Dũng cho biết thêm: “Nắm được nguyện vọng của nông dân, thời gian qua Tân Châu đã chủ động đặt hàng Sở KHCN và Sở NNPTNT hỗ trợ và chuyển giao nhiều kỹ thuật chăn nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế cao. Trong đó có kỹ thuật sản xuất lươn đồng bằng phương pháp sinh sản bán nhân tạo cho hàng chục hộ”.

Sau chuyến thực tế, tai nghe, mắt thấy, GS Võ Tòng Xuân nhiều lần điện thoại giục tôi: “Làm ăn có bài bản, tính toán chu đáo, em viết bài báo về Tân Châu cho các địa phương học tập, rút kinh nghiệm để người dân có điều kiện làm giàu”. Nhưng với tất cả sự cẩn trọng, mãi đến hôm nay, sau khi UBND tỉnh ban bố chấm dứt tình trạng lũ khẩn cấp, tôi mới...

Lục Tùng

Post a Comment

 
Top