Xem thêm "tin tức nội thất gia đình Đăng Khoa mart Sửa máy văn phòng Nhọc nhằn biên mậu Việt - Trung GuidePedia

0
Chính sách chưa thoả đáng, thiếu vốn đầu tư, cơ cấu mặt hàng chậm thay đổi và cơ sở hạ tầng xuống cấp… khiến thương mại không phát triển.

Trong giai đoạn 2006 – 2011, thương mại biên giới Việt - Trung tăng với tốc độ cao qua hàng năm, đóng góp tích cực trong tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc. Năm 2006, tổng kim ngạch thương mại trao đổi qua các cửa khẩu biên giới Việt – Trung đạt hơn 2,8 tỷ USD thì đến năm 2010 con số đó đã tăng lên hơn 7,1 tỷ USD, 9 tháng năm 2011 đạt trên 6,3 tỷ USD, tốc độ tăng trung bình khoảng 20%/năm. Thông tin này được đưa ra tại hội nghị tổng kết hoạt động thương mại biên giới phía Bắc do Bộ Công thương tổ chức, sáng 18/11.

Vật lộn với thiếu thốn

Theo ông Trần Bảo Giám, Vụ trưởng Vụ thương mại miền núi: Các tỉnh biên giới phía Bắc đều là những tỉnh nghèo, có nguồn lực hạn chế, không có nhiều ngân sách để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật. Chính vì vậy, cơ sở hạ tầng (CSHT) khu vực biên giới phía Bắc thời gian qua không theo kịp tốc độ phát triển hoạt động XNK qua các cửa khẩu biên giới Việt – Trung. Điều này là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng ách tắc việc xuất khẩu một số trái cây tại các cửa khẩu khi vào mùa vụ.

Hạ tầng tại nhiều cửa khẩu còn yếu kém (Cửa khẩu Cốc Nam - Lạng Sơn_ảnh KT)

Ông Lê Thành Đô, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết: Điện Biên là tỉnh duy nhất trong 7 tỉnh biên giới phía Bắc chưa có cửa khẩu quốc tế, giao thương chủ yếu qua đường mòn, lối mở. Từ tháng 12/2008 đã đấu nối thành công qua lối mở A Pa Chải và đã hoàn thành quy hoạch chi tiết khu cửa khẩu A Pa Chải. Điểm mấu chốt là khó khăn về nguồn vốn nên khó mở rộng cả về đầu tư, thương mại cho khu vực này.

Chia sẻ khó khăn này, ông Nguyễn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết: Địa phương phấn đấu đưa thương mại biên giới năm 2010 lên 100 triệu USD nhưng thực tế con số này lại liên tục giảm xuống, từ 2006 là 35 triệu USD nhưng năm 2009 còn 4 triệu và năm 2010 là 4,5 triệu USD.

Là địa phương nổi tiếng với Cửa khẩu quốc tế Hà Khẩu, nhưng Lào Cai cũng còn không ít khó khăn vướng mắc. Đại diện tỉnh Lào Cai cho biết: Với kim ngạch xuất khẩu trên 1,7 tỷ USD/năm nhưng Lào Cai chỉ có duy nhất 1 đường quốc lộ, còn đường sắt với Trung Quốc hầu như tê liệt và đầu tư về CSHT vẫn chưa được cải thiện. 10 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu qua biên giới đạt 1,25 tỷ USD và nếu giao thông tốt hơn nữa thì có thể đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2011”.

Một thực tế nữa là cơ cấu mặt hàng XNK qua biên giới Việt – Trung chủ yếu vẫn là nguyên liệu thô chưa qua chế biến, giá trị hàng hóa xuất khẩu chưa cao. Việt Nam lại nhập khẩu nguyên liệu, vật tư phục vụ cho sản xuất công nghiệp, máy móc, thiết bị công nghiệp và hàng tiêu dùng.

Đồng tình với nhận định trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho biết, Hà Giang có 34 xã biên giới với 30 chợ biên giới. Năm 2010, kim ngạch trao đổi hàng hóa cư dân biên giới đạt 280 triệu USD, tăng 52,76% so với năm 2009; 8 tháng năm 2011 đạt 172,81 triệu USD tăng 58,65% so với cùng kỳ năm 2010. Hà Giang có thế mạnh về xuất khẩu nông lâm sản như: chè, dược liệu… nhưng chủ yếu vẫn là xuất thô – chính điều này làm giảm giá trị xuất khẩu của Hà Giang.

Lúng túng trong quản lý

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng, chúng ta lép vế ở nhiều khía cạnh. Phía bạn xác định chiến lược phát triển các khu kinh tế cửa khẩu rõ ràng, trong khi ta chưa làm được. Chính sách cần phải xác định đầy đủ hoạt động biên giới chung, tránh tình trạng “gà cùng một mẹ đá nhau”, lợi nhuận cạn kiệt sẽ sinh ra buôn lậu. Mặc dù thương mại biên giới rất sôi động nhưng ngân sách thu về chưa tương xứng, do chưa có cơ chế đặc thù về thu – chi.

Ngoài ra, theo ông Trần Bảo Giám, các dịch vụ hỗ trợ thâm nhập thị trường như nghiên cứu thị trường, tư vấn, môi giới, ủy thác XNK, quảng cáo… chưa được tổ chức hoặc tổ chức rất yếu tại các khu vực cửa khẩu. Thực tế hiện nay, số lượng cung ứng các dịch vụ giao nhận, kho tàng bến bãi, bao bì đóng gói, bảo quản hàng hóa… còn quá mỏng so với khối lượng hàng hóa được XNK qua biên giới.

Cũng theo ông Trần Bảo Giám, chúng ta chưa xây dựng được một chiến lược tổng thể, rõ ràng cho việc phát triển giao lưu thương mại đối với tuyến biên giới Việt – Trung. Bên cạnh đó, công tác dự báo thị trường, tổ chức thu thập và xử lý thông tin về cơ chế, chính sách, về thị trường Trung Quốc. Tham gia hoạt động thương mại biên giới Việt – Trung chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô lô hàng nhỏ, mang tính thương vụ, chưa có chiến lược phát triển lâu dài. Các doanh nghiệp mạnh ai người đó làm, tự cạnh tranh lẫn nhau. Còn các doanh nghiệp thuộc các loại hình khác nhau và các hộ cá thể chưa hậu thuẫn được cho nhau để tạo thành kênh lưu thông thông suốt… Mặt khác, các phương thức kinh doanh còn nghèo nàn, chủ yếu là XNK trực tiếp và tái xuất khẩu.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Ninh đề xuất trích lại khoảng 30% tổng nguồn thu để tái đầu tư cho hạ tầng cửa khẩu. “Trong khi chưa có nguồn trích trở lại, từ 3-4 năm trở lại đây, Quảng Ninh đã thực hiện bằng hình thức xã hội hóa, Sở Công thương chỉ lập quy hoạch và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, kho bãi” – ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết.

Thực tế cho thấy, việc quản lý cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc chưa đồng nhất, trao đổi hàng hóa phụ thuộc rất nhiều vào phía Trung Quốc về thời gian, địa điểm giao hàng. Theo ý kiến của các địa phương, hàng hóa của Trung Quốc có thể vào thị trường Việt Nam qua bất cứ cửa khẩu nào, còn hàng của Việt Nam xuất sang Trung Quốc buộc phải qua một hoặc một số cửa khẩu do phía bạn chỉ định.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cũng thừa nhận thực tế này và cho rằng: “Chúng ta vẫn còn lúng túng, bị động trong hoạt động quản lý và điều hành hoạt động thương mại biên giới Việt – Trung. Tại hầu hết các khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc, cơ sở vật chất kỹ thuật thương mại nhìn chung còn yếu kém, lạc hậu. Trong khi đó, các thủ tục hành chính vẫn còn nhiều phức tạp phiền hà, cơ chế chính sách vẫn còn chậm đi vào cuộc sống và còn bất cập trong quá trình thực hiện, chưa tạo ra hành lang thuận lợi, chưa thực sự khuyến khích doanh nghiệp phát triển”.

Theo đánh giá chung, Việt Nam chưa có chiến lược lâu dài về phát triển thương mại biên giới với Trung Quốc nên thường bị động về chính sách biên mậu từ phía bạn, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của các DN, nhất các DN xuất khẩu nông sản. Chúng ta cần có chiến lược lâu dài để đầu tư nâng cấp các cửa khẩu biên giới mới có thể tương xứng và hỗ trợ tốt cho xuất khẩu./.

Vũ Hạnh

Post a Comment

 
Top