Vùng đất nào là nơi "chôn rau cắt rốn" của nhiều đại gia nhất? Chắc chắn nhiều người khi được hỏi câu hỏi này sẽ nghĩ ngay đến Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang,... Nhưng tất cả các nơi đó đều sai bởi câu trả lời ở đây là Bình Định và Ninh Bình
Đại gia ẩn mình Nguyễn Văn Trường
Ông Nguyễn Văn Trường sinh năm 1963, tại Hoa Lư, Ninh Bình, là một doanh nhân nổi tiếng nằm trong nhóm doanh nhân đạt danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” và Cúp Vàng hội nhập kinh tế quốc tế. Ông hiện là Ủy viên Ban Chấp hành VCCI khóa V – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng Giám đốc Doanh nghiệp Xuân Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty Cổ phần Du lịch Hoa Lư, Giám đốc Khách sạn Hoa Lư, nhưng ông lại là tỷ phú kín tiếng, giản dị, ăn chay nhiều năm nay.
Doanh nhân Nguyễn Văn Trường là người mạnh tay đầu tư cả nghìn tỷ đồng vào Khu Du lịch Tràng An – chùa Bái Đính ở cố đô Hoa Lư, cùng nhiều khu du lịch khác như hồ Đồng Chương, công viên văn hóa Tràng An, tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế… Tỷ phú Xuân Trường cũng vừa đầu tư 200 tỷ hoàn thiện nhà khách 5 sao trên diện tích 20.000 m2. Đây là khách sạn hạng sang theo phong cách Á Đông cổ điển, với nguyên vật liệu chính là các loại gỗ quý hiếm như trắc, cẩm lai, gỗ đỏ… Công trình này còn có một phòng họp hội nghị cấp cao và phòng ăn uống có sức chứa 1.000 khách, với thiết kế tương đồng nhà khách Tràng An, một công trình nổi tiếng khác của Ninh Bình.
Theo chia sẻ của ông, niềm vui lớn nhất là hàng ngàn người dân Gia Viễn có việc làm, thu nhập ổn định khi quần thể hang động Tràng An và khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính đi vào hoạt động. Chèo đò, chạy xe ôm, bán hàng, chụp ảnh… những thứ việc đó thu nhập gấp 10 lần trồng lúa.
Đoàn Nguyên Đức, ông bầu sinh ra từ đất võ
Ông Đoàn Nguyên Đức sinh năm 1962 tại huyện An Nhơn, Bình Định. Gia đình nông dân nghèo, đông anh em nên ngày bé, ước mơ của ông là phải học thật giỏi, đậu đại học để thoát khỏi cảnh nghèo. Năm 1982, Đoàn Nguyên Đức khăn gói vào TP HCM thi đại học, nhưng bị trượt, và như một định mệnh, cả 4 lần đi thi đều không đạt kết quả như ý muốn.
Không vào đời được bằng đường đại học, bầu Đức quyết đi bằng đường đời. 22 tuổi ông rời quê, làm đủ mọi nghề để sống và tìm lối đi riêng. Sau một thời gian làm thuê, ông tích góp được khoản tiền đủ để mở một phân xưởng nhỏ chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại quê nhà vào năm 1990. Từ đây, ông mở rộng hoạt động kinh doanh sang sản xuất hàng nội thất và nhiều lĩnh vực khác, trong đó nổi bật là bất động sản để hình thành nên Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Ông Đức từng là người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt năm 2008.
Bầu Đức cũng đang khiến dư luận chú ý đặc biệt với dự án đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để làm nông nghiệp, trồng cỏ, nuôi bò. Và tuyên bố, trong tương lai không xa, Hoàng Anh Gia Lai sẽ nắm quyền định giá thịt, sữa bò tại thị trường Việt Nam.
Lão doanh nhân Tư Hường
Chủ tịch tập đoàn Hoàn Cầu Trần Thị Hường sinh ra tại Hoài Nhơn, Bình Định, được xem là một trong những nữ doanh nhân giàu có và dẻo dai nhất của Việt Nam. Ở tuổi gần bát thập, bà vẫn nắm vị trí cao nhất tại một tập đoàn có tới hàng chục công ty con và đối tác đầu tư. Bà cũng đồng thời là cố vấn tại ngân hàng Nam Á, nơi ba người con thay nhau giữ chức vụ cao nhất trong HĐQT. Mặc dù khối tài sản của bà Hường chưa từng được thống kê, nhưng giới doanh nhân vẫn ngầm hiểu về sự thành đạt của người phụ nữ 78 tuổi này từ chính những thương vụ đầu tư trị giá hàng chục triệu USD
Xuất thân từ một gia đình thất bát, từng làm thợ may, lấy chồng, rồi chuyển sang kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp (trong 5 năm), bà Hường nhanh chóng giàu lên nhờ vào ngành bất động sản. Năm 1993, bà thành lập công ty TNHH Hoàn Cầu, chuyên hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và sản xuất vật liệu xây dựng. Doanh nghiệp này có 10 công ty thành viên, tổng vốn điều lệ (tính đến năm 2010) khoảng gần 6.000 tỷ đồng. Năm 2008, để đăng cai tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới, bà đã bỏ ra khoảng 65 triệu USD đầu tư vào khu nghỉ dưỡng Diamond Bay và các sự kiện quanh cuộc thi này.
Trước đó, từ những năm 90, bà Hường đã nổi tiếng với hai thương vụ trong ngành kinh doanh đồ uống, bao gồm việc đầu tư 15 triệu USD để xây dựng nhà máy bia Vinagel rồi bán lại cho San Miguel giá 25 triệu USD. Sau đó, bà Tư Hường bỏ ra 5 triệu USD để xây dựng nhà máy nước giải khát rồi tiếp tục bán lại cho Lipovital với giá 17 triệu USD.
Nếu tính số tài sản trên sàn, bà Hường hiện giữ khoảng 4,19% cổ phần tại công ty Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584, với giá trị tương đương 7 tỷ đồng. Ngoài ra, bà và 5 thành viên khác trong gia đình đang nắm khoảng 11,63% cổ phần tại ngân hàng Nam Á, với giá trị tương đương 348 tỷ đồng. Trong đó, con trai bà là Nguyễn Quốc Toàn đang nắm giữ chức vụ Chủ tịch (theo báo cáo thường niên tháng 6/2014 của Nam Á).
Bà Dương Thị Bạch Diệp, nữ doanh nhân đầu tiên sở hữu siêu xe
Bà Diệp sinh năm 1948 tại Quy Nhơn, Bình Định, nhưng lại lớn lên ở Hà Nội và thành danh tại TP HCM.
Đầu thập niên 2000, khi những cái tên đại gia địa ốc Đoàn Nguyên Đức, Phạm Nhật Vượng chưa nhiều người biết tới, thì bà Diệp đã nổi danh nhờ sở hữu quỹ đất lớn và đắc địa tại TP HCM, với công ty địa ốc Diệp Bạch Dương.
Nhưng sự kiện khiến tên tuổi bà Diệp nổi bật trong giới đại gia là việc bà mua chiếc xe Rolls-Royce biển số tứ quý 7, đắt tiền và sang nhất Việt Nam vào đầu năm 2008. Siêu xe của bà Diệp là chiếc Rolls Royce tại Việt Nam được đặt hàng chính hãng duy nhất tính đến thời điểm đó. Khi bà Diệp đặt hàng tại Rolls Royce, thuế nhập khẩu là 80% và giá sau thuế ước tính vào khoảng 1,3 triệu USD.
Bà Diệp bắt đầu mua, bán bất động sản từ năm 1984, sau 30 năm, bà sở hữu hàng chục căn biệt thự, nhiều khu đất vàng thuộc công ty của bà và các con đồng sở hữu. Nhưng vài năm trở lại đây, tiếng tăm của công ty Diệp Bạch Dương đang dần chìm vào quên lãng, nhất là sau hàng loạt thông tin phá sản, trốn nợ liên quan đến đại gia bất động sản này được tung ra, khiến bà phải đích thân đứng ra cải chính và khiếu nại.
Chủ tịch tập đoàn nghìn tỷ Nguyễn Đức Thụy
Nguyễn Đức Thụy sinh năm 1976, tại Gia Viễn – Ninh Bình, hiện là Chủ tịch tập đoàn Xuân Thành, và là người nổi tiếng được biết đến với vai trò ông bầu của 2 đội bóng thi đấu ở giải hạng quốc gia Việt Nam, là Sài Gòn Xuân Thành và Bảo hiểm Thái Sơn Quảng Nam.
Tập đoàn Xuân Thành được hình thành từ công ty cổ phần đầu tư & phát triển Xuân Thành. Tiền thân là Hợp tác xã xây dựng Bình Minh thành lập năm 1976, tại tỉnh Hà Nam Ninh (cũ). Vốn điều lệ ban đầu của tập đoàn này là 2.500 tỷ đồng, trong đó Nguyễn Đức Thuỵ chiếm 2.087,5 tỷ đồng. Đến năm 2007, Xuân Thành Group do Nguyễn Đức Thụy làm Chủ tịch bao gồm 11 công ty thành viên, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, như cảng nước sâu, bóng đá, chứng khoán, xây dựng, taxi, bất động sản, bảo hiểm, xi măng, khoáng sản, thủy điện, vận tải… Riêng với chứng khoán, bầu Thụy từng đổ đống tiền ra để sở hữu hẳn một công ty chứng khoán, để rồi vào ngay tốp 50 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, sau đó ông bầu trẻ đã bán công ty này.
Ngoài kinh doanh, bóng đá, bầu Thụy còn được biết đến là người mê siêu xe, với việc sở hữu nhiều xe sang đắt tiền, như chiếc phantom đầu tiên tại Ninh Bình, 3 Rolls Royce Ghost và 1 Maybach 62s cùng các loại Mercedes S-Class, BMW 7-Series, Range Rover, Lexus Ls600hl, Lx570, X5 4.8…. Đến thời điểm đầu năm 2012, bầu Thụy chính thức sở hữu tới 7 chiếc xe Rolls-Royce, và đưa Ninh Bình trở thành một trong những tỉnh, thành có nhiều xe siêu sang nhất Việt Nam. Bầu Thụy cũng là chủ nhân của căn biệt thự đắt tiền với những món đồ chơi tiền tỷ ở Ninh Bình
Ông chủ tập đoàn Hoa Sen
Ông Lê Phước Vũ sinh năm 1963, trong một gia đình nghèo ở Bình Định. Vì gia đình khó khăn nên khi theo học tại trường Trung cấp Giao thông, ông phải làm nhiều việc để mưu sinh. Với kết quả học tập xuất sắc, Lê Phước Vũ được giữ lại trường làm giảng viên sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, ông đã từ chối bởi cơ chế đãi ngộ khó có thể cho phép ông đỡ đần gia đình.
Ra trường, ông khăn gói vào phương Nam lập nghiệp. Hai năm đầu, Lê Phước Vũ làm việc cho một công ty vận tải ở Tây Ninh, thường xuyên chạy tuyến Sài Gòn – Vinh, ông và gia đình vẫn phải sống trong khó khăn. Vợ chồng ông ngược lên Buôn Ma Thuột lập nghiệp với hy vọng cuộc sống đỡ vất vả hơn, nhưng sau 2 tháng thay đổi, ông lại đưa gia đình ngược về Sài Gòn.
Trở lại Sài Gòn, ông làm quản đốc công ty Gỗ Đức Thành. Trong thời gian này, ông tình cờ gặp giám đốc một công ty thép nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam và được gợi ý thử tự kinh doanh. Năm 1994, với 2 chỉ vàng, Lê Phước Vũ khởi nghiệp kinh doanh một cửa hàng nhỏ bán tôn.
Đến năm 1997, Lê Phước Vũ nghĩ đến chuyện sản xuất, với việc mở một xưởng cán tôn. Nhờ tài lèo lái, dần dần, xưởng cán tôn của ông thu hút được khách hàng, hoạt động kinh doanh thuận lợi. Trong thời gian đó, ông đã tìm cách tiếp cận nhiều nguồn vốn khác nhau cũng như học hỏi các công nghệ sản xuất mới và kiến thức về quản trị kinh doanh. Năm 2001, Lê Phước Vũ thành lập công ty cổ phần Hoa Sen với số vốn ban đầu 30 tỷ đồng, có 22 nhân viên. Từ một công ty nhỏ, sau hơn 10 năm, giờ đây Hoa Sen đã vững vàng với vị thế một Tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam.
Ông chủ Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến- Dũng “lò vôi”
Ông Huỳnh Uy Dũng với biệt danh quen thuộc Dũng “lò vôi” sinh năm 1961, tại huyện Tuy Phước, Bình Định. Chưa học hết lớp 12, ông nhập ngũ và tham gia Chiến tranh biên giới Tây Nam, phục vụ công tác hậu cần ở Quân khu 5, rồi Quân khu 7, làm nhiệm vụ tiếp tế cho bộ đội ngoài chiến trường.
Khi chuyển về công tác ở bộ phận hậu cần thuộc Công an thị xã Thủ Dầu Một, Sông Bé (cũ), thấy cuộc sống quá khổ, ông phát triển ý tưởng làm lò vôi, sản xuất các loại vôi quét tường, vôi bột công nghiệp… Cái tên Dũng “lò vôi” bắt đầu từ khi đó. Sau đó, ông về làm giám đốc công ty sơn mài Thành Lễ, từ đây ông còn có biệt danh là Dũng Thành Lễ.
Để có được giấy phép kinh doanh của tỉnh Bình Dương, ông Huỳnh Uy Dũng từng làm một điều mà giới đầu tư cho là “khùng”, khi quyết định rót vốn vào khu công nghiệp đầu tiên của Việt Nam, đó là khu công nghiệp Bình Đường. Sau Bình Đường, ông tự đứng ra đầu tư 2 khu công nghiệp khác là Sóng Thần 2 và Sóng Thần 3, cùng với nhiều dự án khu dân cư khác. Khu du lịch Đại Nam Văn Hiến được ông Dũng “lò vôi” xây dựng từ tháng 9/2007, với mục tiêu trở thành khu du lịch lớn nhất Đông Nam Á trên diện tích 700ha. Dự án này cũng khiến ông chủ Đại Nam mang tiếng “hâm hâm”, với “ước mơ ngu xuẩn” khi rót 5.000 tỷ đồng và huy động 2.000 nhân công xây dựng.
Ông Huỳnh Uy Dũng cũng là Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa X, thuộc đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh bình Dương.
Ông chủ gỗ Trường Thành
Ông Võ Trường Thành sinh năm 1958, trên đất võ Tây Sơn- Bình Định. 21 tuổi, đang làm nghề “gõ đầu trẻ”, ông Thành quyết định rời vùng đất võ Tây Sơn lên Tây Nguyên lập nghiệp. Công việc ở xưởng chế biến gỗ của Lực lượng Thanh niên Xung phong đóng tại Tây Nguyên đã khởi đầu mối lương duyên của người thầy giáo trẻ với gỗ.
Sau hơn 7 năm miệt mài cùng xưởng gỗ, ông được bầu làm Giám đốc Xí nghiệp Khai thác và Chế biến lâm sản Thanh niên Xung phong. Niềm đam mê với gỗ đã thúc đẩy ông “ra riêng” với số vốn vay mượn 50 triệu đồng, thành lập xưởng sơ chế gỗ tại Đắk Lắk vào năm 1990.
Cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997, dồn cùng thời điểm Chính phủ ra chỉ thị cấm xuất khẩu gỗ, tưởng như xóa sổ niềm đam mê của ông. Nhưng sau 3 tháng đóng cửa nhà máy (năm 1998), doanh nghiệp đã sản xuất trở lại, tăng dần khi thị trường trong nước vào mùa mua sắm cuối năm. Năm 1999, ông mua lại công ty Vinaprimart, mở rộng hoạt động đến Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Sau 2 tháng kể từ thương vụ này, Trường Thành đã xuất khẩu 5 container hàng đầu tiên sang châu Âu. Từ đây, ông Thành chuyên tâm làm hàng xuất khẩu. Năm 2011, công ty gỗ Trường Thành dẫn đầu trong lĩnh vực chế biến gỗ của Việt Nam về doanh số (khoảng 3.000 tỷ đồng) và quy mô lên đến 8 nhà máy.
Tuy nhiên, năm 2013, thông tin Trường Thành đang nợ ngân hàng hơn 1.000 tỷ đồng khiến không ít người ngỡ ngàng. Có nhiều nguyên nhân được đưa ra như: giá nguyên liệu tăng cao, sức mua từ nước ngoài giảm sút, đầu tư ngoài ngành, lãi suất tăng… Công ty đã thế chấp hầu như toàn bộ tồn kho nguyên liệu để vay ngân hàng. Do đó, khi cần bán, hoặc sử dụng, phải có nguồn tiền tương ứng chuyển cho ngân hàng.
Đã có thời điểm, nhiều ngân hàng đồng loạt đòi nợ Trường Thành, rồi sức ép từ các cổ đông. Nhưng với kinh nghiệm từng trải, ông Thành vẫn kiên nhẫn từng bước giải quyết khó khăn, duy trì sản xuất ổn định. Lũy kế cả năm 2013, Gỗ Trường Thành lãi ròng 7 tỷ đồng, bằng 2,8 lần con số năm 2012.
Chủ tịch Tập đoàn Xi măng The Vissai Ninh Bình
Ông Hoàng Mạnh Trường, Chủ tịch Tập đoàn Xi măng The Vissai Ninh Bình, sinh ra tại Ninh Bình, là doanh nhân được biết nhiều với vai trò ông bầu của câu lạc bộ bóng đá Xi măng The Vissai Ninh Bình. Ông là 1 trong 13 doanh nhân tiêu biểu nhất đoạt danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2007″, được thủ tướng chính phủ ra quyết định khen thưởng, và là người nằm trong nhóm 1.000 doanh nhân Thăng Long Hà Nội.
Làm bóng đá sớm hơn so với bầu Thụy, chưa có con số thống kê bầu Trường đã đổ bao nhiêu tiền vào bóng đá, chỉ biết là từ năm 2007, ông đã mua suất của đội Sơn Đồng Tâm và sau đó đưa về quê với tên gọi Vinakansai Ninh Bình. Dưới tay bầu Trường, đội bóng Ninh Bình có tiếng là tiêu tiền như nước. Mùa nào Ninh Bình cũng đi đầu về chuyển nhượng. Cầu thủ về đội bóng Hoa Lư coi như đổi đời. Có thông tin cho rằng, khi ký hợp đồng với Ninh Bình, bầu Trường trả tiền tươi cho cầu thủ. Nhiều cầu thủ đến Ninh Bình phải dùng bao tải và ô tô chở tiền về nhà.
Chịu chơi, song cách làm bóng đá của bầu Trường đã không mang lại thành công tương xứng với số tiền đầu tư, chỉ mang lại ảnh hưởng trực tiếp tới danh tiếng của doanh nhân này cũng như doanh nghiệp ông sở hữu. Thậm chí, nói đến đội Ninh Bình là nhắc đến sự bất ổn cùng nhiều khó khăn. Sau khi vụ tiêu cực bị phanh phui, bầu Trường đã quyết định chịu phạt và dừng chơi V-League 2014.
Làm bóng đá sớm hơn so với bầu Thụy, chưa có con số thống kê bầu Trường đã đổ bao nhiêu tiền vào bóng đá, chỉ biết là từ năm 2007, ông đã mua suất của đội Sơn Đồng Tâm và sau đó đưa về quê với tên gọi Vinakansai Ninh Bình. Dưới tay bầu Trường, đội bóng Ninh Bình có tiếng là tiêu tiền như nước. Mùa nào Ninh Bình cũng đi đầu về chuyển nhượng. Cầu thủ về đội bóng Hoa Lư coi như đổi đời. Có thông tin cho rằng, khi ký hợp đồng với Ninh Bình, bầu Trường trả tiền tươi cho cầu thủ. Nhiều cầu thủ đến Ninh Bình phải dùng bao tải và ô tô chở tiền về nhà.
Chịu chơi, song cách làm bóng đá của bầu Trường đã không mang lại thành công tương xứng với số tiền đầu tư, chỉ mang lại ảnh hưởng trực tiếp tới danh tiếng của doanh nhân này cũng như doanh nghiệp ông sở hữu. Thậm chí, nói đến đội Ninh Bình là nhắc đến sự bất ổn cùng nhiều khó khăn. Sau khi vụ tiêu cực bị phanh phui, bầu Trường đã quyết định chịu phạt và dừng chơi V-League 2014.
Theo: Vuiviet.com
Post a Comment