Cho đến hiện nay, mặc dù 6 tháng trôi qua và hung thủ đã cung khai nhưng nguyên nhân thật sự về nguyên do và thời điểm chị Huyền chính thức tử vong hiện nay vẫn đang là một ẩn số đang làm đau đầu các chuyên gia.
6 tháng từ khi TAND Hà Nội trả hồ sơ yêu cầu bổ sung nhiều vấn đề chưa rõ tại vụ án chủ thẩm mỹ viện Cát Tường vứt xác bệnh nhân Lê Thị Thanh Huyền, VKSND Hà Nội đã ra cáo trạng lần 2. Nhiều nội dung điều tra bổ sung được nêu trong cáo trạng dài hơn 4 trang so với lần 1 này song hầu hết chưa thể có câu trả lời.Theo cáo buộc, trưa 19/10/2013, tại thẩm mỹ viện Cát Tường trên đường Giải Phóng, chị Lê Thị Thanh Huyền (40 tuổi) được chủ cơ sở là bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường phẫu thuật hút mỡ bụng và nâng ngực.
Sau khi tiêm 4 chai thuốc gây mê, Tường dùng xilanh loại 50ml hút mỡ được khoảng 15 phút thì chị Huyền co giật nên bảo nhân viên đi mua thuốc chống động kinh nhưng không có. Tường tiếp tục hút 11 xi lanh mỡ bụng, để 5-10 phút cho lắng rồi bỏ nước bơm vào phần ngực.
Qua gần 3 tiếng phẫu thuật, chị Huyền có biểu hiện co giật và được Tường tiêm thuốc an thần. Chiều muộn cùng ngày, chị Huyền tử vong. Chủ thẩm mỹ viện vứt xác bệnh nhân này xuống sông Hồng phi tang.
Cáo trạng cho hay, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội có công văn đề nghị Sở Y tế cung cấp thông tin: những loại thuốc, công thức pha, liều dùng trong quá trình phẫu thuật, phương pháp để cho mỡ lắng không qua ly tâm, được bác sĩ Tường áp dụng trong quá trình phẫu thuật có đúng không? Loại thuốc, phương pháp cấp cứu trong quá trình cấp cứu chị Huyền có đúng quy trình? Quá trình phẫu thuật cho chị Huyền có biểu hiện co giật, bác sĩ Tường đã tiêm hai ống Dimedro, cử nhân viên đi mua thuốc động kinh nhưng không được, song vẫn tiến hành phẫu thuật và chỉ phẫu thuật trong thời gian hai tiếng rưỡi. Việc làm đó có được phép hay không, có nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân?
Giữa tháng 5, Sở Y tế trả lời, sau khi tham vấn Hội đồng tư vấn chuyên môn đầu ngành phẫu thuật thẩm mỹ, hồi sức cấp cứu, dược lâm sàng gồm các phó giáo sư, tiến sĩ y khoa… cho thấy các loại thuốc Lidocain, Adrenalin, muối sinh lý 9% pha thành dung dịch là phù hợp với công thức chuẩn dùng trong kỹ thuật hút mỡ bụng. Tuy nhiên, Gentamicin và Vitamin C pha vào dung dịch này là không phù hợp. "Lượng Lidocain dùng cho chị Huyền cao hơn 1,5 lần với chuẩn quốc tế", văn bản của Sở khẳng định.
Theo Sở, phương pháp để cho lắng mỡ không qua ly tâm mà bác sĩ Tường áp dụng trong quá trình phẫu thuật "không đúng với quy trình chuẩn, ảnh hưởng đến chất lượng mô ghép về sau". Khi phát hiện chị Huyền co giật, việc sử dụng Diazepam cắt cơn co giật là đúng, không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng quy trình cấp cứu co giật phải tiếp tục tìm và giải quyết nguyên nhân. Việc cấp cứu khi bệnh nhân tim ngừng đập của bác sĩ Tường là đúng thuốc, đúng quy trình...
Tiếp đó, gần hai tháng sau, cơ quan điều tra có công văn đề nghị Sở Y tế cung cấp thông tin việc hút mỡ, bơm ngực mà bác sĩ Tường thực hiện có nằm trong danh mục khám bệnh, chữa bệnh hoặc dịch vụ y tế khác không? Trả lời điều này, Sở Y tế cho rằng tại thời điểm xảy ra vụ án, không có kỹ thuật hút mỡ, bơm ngực.
Nơi phát hiện ra phần thi thể của chị Huyền ở khu vực bến đò Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội. |
Gần một tháng sau, nhà chức trách xác định, thời gian chết của chị Huyền đã trên 8 tháng, không có các tổn thương. Đặc biệt, trong mẫu phủ tạng nạn nhân không tìm thấy các chất độc. Tuy nhiên, do tử thi mất nhiều bộ phận, các phần còn lại phân huỷ mạnh, nên "không đủ cơ sở xác định nguyên nhân chết".
Công an Hà Nội cũng trưng cầu giám định của Viện khoa học hình sự Bộ Công an với đề nghị giải thích cơ chế phân huỷ của thi thể? Việc thiếu các bộ phần trên thi thể chị Huyền là do quá trình phân huỷ hay bị tác động? Căn cứ tình trạng tử thi có xác định được nạn nhân chết trên cạn hay dưới nước?...
Cơ quan giám định Bộ Công an kết luận: "Không đủ cơ sở để xác định nguyên nhân chết do thi thể chị Huyền bị phân huỷ ở dạng sáp hoá". Tình trạng phần mềm chưa phân huỷ hết sau thời gian 9 tháng là phù hợp; không đủ cơ sở xác định việc thiếu các phần, bộ phận cơ thể là do phân huỷ hay tác động. "Không đủ cơ sở kết luận nạn nhân chết trên cạn hay dưới nước", cáo trạng nêu trả lời của cơ quan giám định.
Để giải đáp các thắc mắc của gia đình nạn nhân, Công an Hà Nội còn trưng cầu giám định Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) về việc: mảng dạng vữa ở ống quần bên phải của chị Huyền được kết cấu của những vật liệu nào? Mảng dạng vữa với quần nạn nhân có sự kết bám không? Nếu có sự kết bám dính thì hình thành ở dưới nước hay trên cạn? Ngoài mảng vữa này còn bám dính của loại vật liệu nào hay không?
Cơ quan giám định kết luận, mẫu dạng mảng, khối, cục xám trắng bám dính ống quần tử thi là các hạt cát (các hạt khoáng vật, chủ yếu là thạch anh) và các chất hữu cơ (chất béo, a xít béo…). Từ đó, cơ quan này cho rằng không đủ điều kiện xác định sự kết bám dính và sự hình thành của các mẫu dạng mảnh. Ngoài ra không còn thấy loại vật liệu nào khác trên ống quần nạn nhân.
Về cáo trạng lần 2, bà Nguyễn Thị Hiền, mẹ chị Huyền, cho biết không đồng tình với nhiều nội dung nêu ở đây vì chưa làm rõ được nguyên nhân tử vong của con gái bà, hơn nữa tội danh bác sĩ Tường không thay đổi. Theo bà Hiền, với hành vi gây ra, Tường phải bị truy tố tội Giết người mới "đúng người, đúng tội”.
Bà Hiền chia sẻ, vài ngày sau khi xác chị Huyền được tìm thấy, vợ bác sĩ Tường đến thắp hương tại mộ con gái bà. Cùng thời điểm này, gia đình bà Hiền có thêm buổi đi tìm dọc sông Hồng mong thấy các bộ phận còn lại của nạn nhân. Nhưng do nước lớn, gia đình ngừng tìm kiếm từ đó đến nay.
Nguồn: Vnexpress.net
Post a Comment