Xem thêm "tin tức nội thất gia đình Đăng Khoa mart Sửa máy văn phòng Có một người Hà Nội là nhà giáo GuidePedia

0
Tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn, một mảnh đất cách xa Hà Nội. Ngày chưa chuyển công tác về Hà Nội, câu người "Tràng An thanh lịch" với tôi còn là khái niệm khá mơ hồ. Rồi ngày tháng qua đi và nhất là khi được làm việc cùng với anh, Phó Giáo sư Nguyễn Tất Thắng (mọi người thường gọi anh là Tất Thắng) thì tôi hiểu một phần: Thế nào là "Tràng An thanh lịch".

Anh sinh ra trong một gia đình trí thức sống nhiều đời ở Hà Nội. Cụ thân sinh là một nhà giáo. Từ nhỏ anh đã tỏ ra thông minh và có trí nhớ tuyệt vời, hai thứ quý giá mà tạo hóa ban cho ấy lại được bao bọc trong nếp nhà thanh bạch, lấy trí làm đầu khiến anh thấy rõ đường đi cho cuộc đời. Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, cụ thân sinh anh mang cả gia đình theo kháng chiến ở Phú Thọ. Tại mảnh đất trung du này, anh tốt nghiệp phổ thông rồi trở thành nhà giáo, dạy môn văn. Hòa bình lập lại ở miền Bắc, anh đi học tiếng Nga rồi trở thành giảng viên của Trường Đại học Ngoại ngữ.
PGS Tất Thắng (bên trái) và nhà văn Chu Văn.

Từ tiếng Nga, anh bén duyên văn học Nga, đặc biệt là mảng văn học kịch. Anh tự dịch kịch Nga, sách về văn học kịch, lý luận kịch sang tiếng Việt. Rồi anh chuyển về Viện Văn học và trong hơn 20 năm công tác ở Viện Văn, anh chuyên nghiên cứu văn học kịch. Nghiên cứu văn học kịch khác với nghiên cứu tiểu thuyết vì nhiều khi kịch bản chủ yếu để đọc vẫn được dựng trên sân khấu, nếu không xem sẽ không biết hình tượng nhân vật trong kịch bản khi ra vở diễn nó thế nào và điều gì làm nên mỗi đêm diễn lại là một tác phẩm sân khấu cho dù vẫn là kịch bản ấy.

Từng ấy năm nghiên cứu cũng là từng ấy năm anh đến các đoàn, xem họ diễn, điều đó giúp anh có những trang viết về lý luận kịch mang tính khách quan, khoa học, không sáo rỗng. Lăn lộn với sân khấu cũng tạo cho anh có mối quan hệ sâu rộng với các nhà hoạt động sân khấu nổi tiếng Việt Nam để rồi anh học được nhiều điều không có trong sách nước ngoài, đó là cơ sở bồi đắp thêm kiến thức về văn học kịch, sân khấu.

Năm 1987, Tạp chí Sân khấu của Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam ra đời, anh chuyển từ Viện Văn học về tạp chí và sau khi nhà viết kịch Xuân Trình tạ thế, anh được cử làm Tổng biên tập kiêm Giám đốc Nhà xuất bản Sân khấu cho đến ngày nghỉ hưu. Nói về đóng góp của anh cho sân khấu Việt Nam nói chung và sân khấu Hà Nội nói riêng là vô cùng lớn. Anh đã xuất bản tới vài chục đầu sách nghiên cứu, dịch thuật về lý luận kịch, lý luận sân khấu và đặc biệt là các nghiên cứu sâu của anh về kịch bản của sân khấu tuồng, chèo, cải lương... Thậm chí cả về thể loại mới manh nha xuất hiện như Kịch Hát dặm Nghệ Tĩnh, Dù kê của người Khơme Nam bộ. Không chỉ phát hiện ra cái hay, cái đẹp trong kịch hát dân tộc, anh còn có những nhận định đánh giá sắc xảo về bản chất của các thể loại. Với sân khấu Hà Nội, ngoài các bài viết về các nhà hoạt động sân khấu, từ Vũ Đình Long, Nguyễn Huy Tưởng, Thế Lữ, Nguyễn Đình Thi đến các tác giả sau này thì công trình giá trị nhất về sân khấu Hà Nội với cái tên rất khiêm tốn: "Tìm hiểu sân khấu Thăng Long - Hà Nội". Những nhận định về sân khấu Hà Nội từ thuở ban đầu cho hôm nay được anh viết nghiêm cẩn có giá trị lịch sử cũng như học thuật. Công trình được in đúng vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Đóng góp cho sân khấu của anh với tư cách nhà giáo là rất lớn. Ngay từ khi còn công tác ở Viện Văn học, anh đã là giảng viên kiêm chức của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, ngoài ra anh còn tham gia giảng dạy tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Sân khấu - Điện ảnh TP Hồ Chí Minh... Anh thực sự là người thầy đáng kính trọng của nhiều đạo diễn, diễn viên, nhà lý luận phê bình sân khấu đang hoạt động tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Anh cũng được mời làm giáo viên hướng dẫn, phản biện luận văn thạc sỹ, tiến sỹ và rất nhiều trong số đó đã vững vàng trên các cương vị công tác.

Sự thanh lịch của anh thể hiện qua các hành vi ứng xử đến những thú chơi tao nhã, từ kiến thức uyên bác đến cách sử dụng ngôn từ. Xuất hiện tại các cuộc hội thảo, đứng trên bục giảng hay có mặt ở bất cứ đâu bao giờ anh cũng áo là quần nếp gọn gàng cho dù quần áo của anh không phải là đắt tiền. Thanh lịch trong anh không chỉ nét ăn, nét mặc mà cả cách ứng xử với anh em nghệ sỹ, những người có cá tính và đề cao cái tôi. Anh bảo vệ đến cùng những quan niệm của anh nhưng cũng rất tôn trọng quan niệm của người trong giới. Những gì anh chưa tâm phục, khẩu phục thì lặng lẽ tìm hiểu, hiếm khi thấy anh tranh luận to tiếng hay chê bai đồng nghiệp. Dạy học trò theo phương pháp không ép buộc, luôn để mở vấn đề cho sinh viên tư duy và bất kể sinh viên nào cần giúp đỡ anh không bao giờ từ chối. Dù nghỉ hưu ngót chục năm nay nhưng Trường Sân khấu - Điện ảnh chưa cho anh nghỉ, vẫn mời anh lên lớp, hướng dẫn luận văn... Và để luôn có cái mới, cái ít người biết anh đọc rất nhiều đến tuổi ngũ tuần anh vẫn học chữ Hán và nghiên cứu sâu hơn về triết học Trung Hoa cổ đại. Vốn tiếng Hán đủ cho anh làm được thơ và viết thư pháp. Anh đã ra tập thơ chữ Hán "Hý trường" với những bài sâu sắc về nhân tình thế thái; còn thư pháp thì anh viết được nhiều thể, hình nét thanh thoát đúng là nét bút hồn người. Sách của anh nhiều hơn cả một thư viện huyện và toàn những cuốn quý hiếm.

Anh - dân Hà Nội, nơi thu nhận rất nhanh ẩm thực và đồ uống phương Tây nhưng lại rất mê uống chè. Anh có thể ăn đạm bạc nhưng sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền để mua chè ngon. Tôi thích uống chè với anh không chỉ vì chè ngon mà còn được nghe những lời thơm được anh rút ra trong kho kiến thức nhân văn khổng lồ. Thật đúng như truyền thống gia đình anh, lấy trí làm trọng. Với tôi, anh Thắng vừa là thầy, vừa là người anh, vừa là người tri ân, tri kỷ. Con người anh gợi cho tôi suy nghĩ về chèo, bộ môn nghệ thuật mà tôi theo đuổi suốt cuộc đời. Tại sao anh là dân "Tây học", giỏi tiếng Nga, biết tiếng Pháp, tiếng Anh từng nghiên cứu dịch thuật nhiều về sân khấu thế giới vậy mà tâm hồn anh, cốt cách anh vẫn là người Hà Nội, vẫn Việt Nam?

Rồi năm ngoái anh ốm, tưởng không qua được nhưng trời thương anh đức hạnh nên chưa nỡ kéo đi.

Anh bảo, khỏe mình lại phải đi dạy, từ chối nhiều quá không tiện. Tôi nói sự nghiệp sân khấu trông cả vào anh mà. Anh im lặng. Anh đúng là một nhà giáo người Hà Nội, nhưng tôi vẫn thích gọi anh là một người Hà Nội là nhà giáo.

Post a Comment

 
Top