Xem thêm "tin tức nội thất gia đình Đăng Khoa mart Sửa máy văn phòng EVN sẽ tăng giá điện để bù lỗ? GuidePedia

0
Tập đoàn điện lực VN báo cáo lỗ nặng và tăng giá điện có lẽ là phương án sẽ được triển khai để giải quyết bài toán này.

Chiều 19-11, Bộ Công thương đã họp báo lần đầu tiên công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn điện lực VN (EVN) năm 2010. Trước đó, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội hôm 7-11, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định Bộ Công thương phải công khai kết quả kiểm toán và giá thành điện của EVN, nếu chưa làm thì điều chỉnh giá điện sẽ không hợp lý.

Lỗ hơn 10.000 tỉ đồng

Xem xét sáp nhập EVN Telecom vào Viettel

EVN đã có kế hoạch trong 1 - 2 năm tới thoái vốn toàn bộ khoản đầu tư ngoài ngành gồm đầu tư vào các công ty chứng khoán, ngân hàng… Số phận EVN Telecom về cơ bản đã giải quyết xong, theo ông Hoàng Quốc Vượng, Chính phủ đang xem xét sáp nhập về Viettel.

Theo công bố kết quả kiểm tra của tổ công tác Liên bộ Công thương - Tài chính, năm 2010, sản xuất kinh doanh của EVN lỗ 10.162 tỉ đồng (doanh thu từ kinh doanh điện là 90.934 tỉ đồng, chi phí 101.096 tỉ đồng). Tuy nhiên, khoản lỗ này chưa tính đến lỗ lãi tại các công ty cổ phần điện do EVN góp vốn, đặc biệt chưa tính đến các khoản lỗ do đầu tư ngoài ngành, trong đó có đầu tư vào viễn thông. Khoản lỗ này theo EVN do thiếu hụt nghiêm trọng 6 tỉ kWh từ sản lượng phát của thủy điện, phải chạy thay thế bằng dầu. “Mỗi tỉ kWh thủy điện chạy thay thế bằng dầu EVN lỗ 3.000 tỉ đồng”, ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN, nói.

Ngoài khoản lỗ trên, chi phí còn treo lại chưa được tính hết vào giá thành năm 2010 gồm khoản lỗ chênh lệch tỷ giá là 15.463 tỉ đồng và chi phí tiếp nhận lưới điện nông thôn là 356 tỉ đồng.

Cụ thể, giá bán lẻ điện năm 2010 của EVN là 1.061 đồng/kWh (cao hơn 9% so với năm 2009). Lý giải nguyên nhân giá bán lẻ điện thực tế của EVN cao hơn phương án phê duyệt của Chính phủ (6,8% tương ứng 1.058 đồng/kWh), ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho rằng do chênh lệch cách tính bình quân thời điểm khác nhau.

Theo tổ công tác, giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN là 1.180 đồng/kWh, nếu so với giá bán lẻ, EVN lỗ khoảng 120 đồng/kWh. Tuy nhiên, ông Phạm Lê Thanh lại khẳng định mỗi kWh điện bán ra EVN đang chịu lỗ đến 300 đồng.

EVN khẳng định nếu không được điều chỉnh giá điện sẽ không có tiền trả nợ

Trên thực tế, dù giá bán lẻ điện được điều chỉnh nhiều lần nhưng giá mua điện của EVN với các nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư tư nhân không được điều chỉnh tương ứng. Lý do lỗ của nhiều nhà đầu tư là do giá mua điện của EVN quá thấp, mặt khác, với nhiều tập đoàn nhà nước đầu tư vào điện, khó khăn còn do EVN chậm trễ trả nợ.

Khả năng tăng giá

Thứ trưởng Vượng nói: “Chưa thể thông báo có điều chỉnh giá điện hay không, vì tăng giá điện không chỉ do Bộ Công thương mà còn phụ thuộc quyết định của Chính phủ”. Nhưng liệu việc công khai giá thành điện thời điểm này với việc Bộ nhấn mạnh vào các khoản lỗ của EVN có là tiền đề chuẩn bị cho việc tăng giá điện?

Câu hỏi này có thể trả lời dựa trên các khẳng định khác của lãnh đạo Bộ Công thương trong buổi họp báo. Theo ông Vượng, “kinh doanh điện nói chung đang lỗ, phát bao nhiêu lỗ bấy nhiêu”. Quyết định 24 của Chính phủ cho phép điều chỉnh giá điện theo biến động của các thông số đầu vào cơ bản, giá bán lẻ điều chỉnh thì giá mua điện cũng được điều chỉnh tương ứng. Mục tiêu lâu dài là điều chỉnh giá bán điện đến khi các nhà đầu tư có lãi.

Chốt lại cuộc họp, theo Thứ trưởng Vượng, “để EVN không bị vỡ nợ, có vốn để đầu tư tiếp thì khoản lỗ phải được điều chỉnh. Năm 2011 dự kiến lỗ không ít hơn năm 2010, phải có giải pháp điều chỉnh để EVN tồn tại”.

Giải pháp ấy, dù không được khẳng định trực tiếp, chính là điều chỉnh giá điện.

Không có gì khuất tất

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc vì sao Bộ Công Thương cho phép EVN tăng giá điện bình quân năm 2010 đến 9% trong khi Chính phủ chỉ cho phép 6,8% và phần chênh lệch do tăng giá được xử lý như thế nào, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng sự khác nhau giữa con số 6,8% và 9% là do cách tính.

Cụ thể, giá điện bình quân năm 2009 là 970,9 đồng/KWh. Khi xây dựng phương án tăng giá điện năm 2010, Bộ Công Thương lấy chu kỳ tính giá từ ngày 1-3-2009 đến ngày 1-3-2010 (vì Chính phủ quy định giá bán điện hằng năm được điều chỉnh từ ngày 1-3), với phương án mới là 1.058 đồng/KWh, chia cho giá bình quân của chu kỳ này thì mức tăng giá là 6,8%. Tuy nhiên, nếu tính theo chu kỳ từ ngày 1-1-2009 đến ngày 31-12-2009 với mức giá mới là 1.058 đồng/KWh thì mức tăng sẽ là 9%.

Sau khi có kết luận của Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ đã nhắc Bộ Công Thương rút kinh nghiệm. “Như vậy, cùng là giá điện 1.058 đồng/KWh nhưng nếu chia cho mẫu số khác nhau thì ra mức tăng giá khác nhau chứ không có gì khuất tất và Bộ Công Thương cũng không bật đèn xanh cho EVN tăng giá điện” - ông Vượng khẳng định.

Sẽ thiếu điện cục bộ

Theo kết quả kiểm tra, nguyên nhân chính dẫn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh điện năm 2010 của EVN lỗ là do sản lượng thủy điện thấp (thiếu nước nghiêm trọng) nên phải huy động các nhà máy chạy dầu và mua điện ngoài với giá cao gấp 3-4 lần giá thành bình quân. Ngoài ra, việc chậm tiến độ của một số nhà máy điện; biến động tỉ giá hối đoái và giá nhiên liệu cũng là nguyên nhân gây lỗ trong sản xuất kinh doanh của EVN.

Ông Phạm Lê Thanh, Tổng Giám đốc EVN, cho biết năm 2010, ngoài chính sách trợ giá cho hộ nghèo 30.000 đồng/tháng, Nhà nước vẫn phải bù giá 100 đồng/KWh điện cho các hóa đơn sử dụng dưới 130 KWh/tháng. Mức bù lỗ năm 2011 là 300 đồng/KWh. “Mua điện giá cao, bán giá thấp là chúng tôi đã chịu lỗ cho cả xã hội” - ông Thanh nói. Theo ông Thanh, nếu vẫn không huy động được vốn, tình trạng thiếu điện cục bộ sẽ tiếp tục xảy ra.

Theo Tô Hà (Người Lao Động)

Post a Comment

 
Top