Xem thêm "tin tức nội thất gia đình Đăng Khoa mart Sửa máy văn phòng Mỹ - Trung và Đông Nam Á GuidePedia

0
Tuần này chứng kiến cuộc đua tài giữa hai đấu thủ hạng nặng Mỹ và Trung Quốc trong cuộc giành ảnh hưởng ở Đông Nam Á và châu Á Thái Bình Dương. Washington đã tung ra nhiều đòn trong khi Bắc Kinh chưa tỏ rõ sự đáp trả.

Tuy nhiên sự tái xuất hiện của tình trạng căng thẳng khiến các nhà phân tích chính trị và quân sự cảm thấy báo động.

"Họ đang gửi một thông điệp rõ ràng cho Trung Quốc, rằng Mỹ trở lại đây và muốn kiềm chề hoặc đẩy lùi Trung Quốc", ông Zhu Feng, giáo sư khoa Quốc tế Đại học Bắc Kinh nhận xét. "Điều này không giúp gì cho hợp tác ngoại giao".

Phát ngôn viên ngoại giao của Trung Quốc đã phát biểu một cách lạnh nhạt trước tuyên bố của ông Obama về việc triển khai thủy quân lục chiến tới miền bắc Australia. Lực lượng này khiến Mỹ có quân trên bộ triển khai gần Biển Đông - vấn đề an ninh đang hâm nóng khu vực - hơn bao giờ hết.

"Liệu có nên triển khai thêm quân như thế trong khi kinh tế Mỹ đang phải hồi phục hay không", phát ngôn viên Lưu Vi Dân đặt câu hỏi, và bình luận rằng việc đưa quân của Mỹ là "không thích hợp".

Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại hội nghị APEC ở Hawaii ngày 12/11. Ảnh: AFP
Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại hội nghị APEC ở Hawaii ngày 12/11. Ảnh: AFP

Tuy nhiên quyết định triển khai quân đến Australia không phải là hành động nhất thời, nó nằm trong một loạt các diễn biến gần đây của chính phủ Mỹ tại khu vực châu Á Thái Bình Dương. Nó cho thấy Mỹ đang hiện thực hóa chiến lược hướng về châu Á mà ngay từ khi nhậm chức Tồng thống Obama đã nhấn mạnh. Mới đây, trong một bài viết đáng chú ý trên tạp chí Foreign Policy, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng tái khẳng định trọng tâm ngoại giao của Mỹ là ở châu Á Thái Bình Dương.

Tuần trước, Lầu Năm Góc công bố khái niệm mới - Air Sea Battle (tạm dịch là chiến tranh hải-không), được sử dụng để đối phó với các loại vũ khí nhằm ngăn chặn sự tiếp cận của quân đội Mỹ tới một khu vực nhất định nào đó. Họ không nói rằng khái niệm này là nhằm đối phó Trung Quốc, nhưng cũng không bác bỏ ý kiến cho rằng Trung Quốc là đối thủ duy nhất có được những sức mạnh mà khái niệm mới này cần đương đầu.

Tuần này, tại Diễn đàn kinh tế châu Á Thái Bình Dương APEC ở Hawaii, ông Obama đã gặt hái được những bước tiến quan trọng trong việc thiết lập cơ chế Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Trong cơ chế này không có mặt Trung Quốc. Cũng tại APEC, Obama đã yêu cầu Trung Quốc hành động "như người lớn" trong việc tuân thủ các luật lệ chung về kinh tế. (Điều này bị Bắc Kinh phản pháo rằng các khó khăn hiện nay của Mỹ chẳng phải do người Trung Quốc gây ra).

Tại Manila hôm đầu tuần, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khẳng định Washington sẽ sát cánh với đồng minh Phillippines trước các thách thức về an ninh. Philippines là một trong các bên tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, và vừa có những tố cáo qua lại với Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền biển đảo. Mỹ còn cam kết nâng cấp hải quân cũng như cung cấp cho Philippines thêm tàu chiến để tuần tra vùng biển.

Đồng thời, Clinton lên tiếng phản đối - tuy không nhắc đến đích danh Trung Quốc - mọi hình thức đe dọa hay bắt nạt khi giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông.

Người Trung Quốc đang e rằng Washington tìm cách bao vây Trung Quốc, và chiến thuật nhét một cái gai vào giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng "không phải là mới", Bonnie Glaser, học giả của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington, nói. "Nhưng Mỹ đang khiến Trung Quốc có lý do để tin rằng đúng là họ đang làm như thế".

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông, nơi được cho là có trữ lượng dầu khí lớn và có các tuyến vận tải hàng hải vô cùng quan trọng của thế giới. Tuyên bố của Trung Quốc vấp phải sự phản đối của các nước thành viên ASEAN gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Trong năm nay, đã có nhiều cuộc đụng độ xảy ra giữa tàu của Trung Quốc với Việt Nam và Philippines.

Mỹ khẳng định không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông, và nhiều lần nhắc lại rằng Washington có lợi ích quốc gia trong việc duy trì an ninh hàng hải và tự do thương mại ở khu vực này, nơi có có tuyến vận tải biển chuyên chở 5,3 nghìn tỷ USD hàng hóa mỗi năm, theo tính toán của CSM.

Mỹ khẳng định việc đưa tranh chấp Biển Đông ra bàn tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) là thích hợp, trong khi Bắc Kinh nói nước này chỉ giải quyết với các bên liên quan trực tiếp ở Biển Đông và không muốn có sự can thiệp của "bên ngoài".

Sự khó chịu của Trung Quốc trước viễn cảnh can dự của Mỹ được tái khẳng định bởi tuyên bố của Thủ tướng Ôn Gia Bảo tại Bali hôm nay. Ông Ôn dẫn đầu đoàn Trung Quốc dự EAS. "Tranh chấp Biển Đông là vấn đề tồn tại nhiều năm qua. Các thế lực bên ngoài không nên dùng bất cứ lý do gì để can thiệp", ông Ôn nói trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo ASEAN, tuy nhiên không đề cập trực tiếp đến Mỹ.

Phái đoàn Mỹ đến Bali được dẫn đầu bởi Tổng thống Obama. Đây là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ tham gia EAS với tư cách thành viên chính thức. Ngay trước khi đến Bali, Obama đã có một diễn văn đáng chú ý dài 25 phút tại Canberra, tái khẳng định sự trở lại của Mỹ ở châu Á Thái Bình Dương và công bố việc đưa quân đồn trú đến bắc Australia. "Sau một thập kỷ tiến hành hai cuộc chiến tranh gây hao người tốn của, nước Mỹ đang tập trung mối quan tâm của mình tới tiềm năng to lớn của châu Á Thái Bình dương", Obama nói.

Các nhà phân tích ở Bắc Kinh cho rằng các động thái của Mỹ là một "âm mưu". "Họ cần hâm nóng vấn đề lên để nhảy vào, bởi nếu không 10 năm nữa họ chẳng có gì để mặc cả với Trung Quốc", tờ CSM dẫn lời Jin Canrong, phó khoa Quốc tế của Đại học Nhân dân Bắc Kinh, nói. "Trung Quốc sẽ trở nên quá mạnh".

Giáo sư Zhu trưởng khoa thì cho rằng Washington đang muốn mở rộng hiện diện quân sự ở tây Thái Bình Dương với việc tăng hợp tác hải quân với Manila, bán vũ khí cho Indonesia và lập căn cứ thủy quân lục chiến ở Australia.

"Tự ái dân tộc của Trung Quốc không phải là hay", ông Zhu nói thêm, "nhưng kích động tự ái dân tộc thì lại càng không hay và điều không may là Mỹ đang làm điều đó".

Ngược lại, cách nhìn từ Washington lại hoàn toàn khác. "Mục tiêu cơ bản trong chính sách của Mỹ không phải là chống Trung Quốc", học giả Glaser nói. "Chính sách đó nhằm đảm bảo với các đối tác và đồng minh của Mỹ trong khu vực rằng họ vẫn hiện diện, chứ không suy giảm sự quan tâm".

Nhưng những lập luận như thế khó mà thuyết phục được báo giới Trung Quốc vốn đang đăng những bài xã luận nóng về Biển Đông. Trong khi đó các quan chức Bắc Kinh thể hiện một thái độ lãnh đạm với các kế hoạch của Mỹ, và điều này cho thấy họ có quan điểm khác báo giới. "Giới chức Trung Quốc nghĩ rằng chính sách của chính phủ Obama không phải là bao vây, mà chỉ là can dự và đề phòng", giáo sư Jin nhận xét.

Bình luận về phản ứng của Bắc Kinh trước những bước đi gần đây của Mỹ, giáo sư Zhu đoán: "Trung Quốc có lẽ không ăn miếng trả miếng. Tôi không nghĩ Trung Quốc lao đầu vào một cuộc leo thang hay chạy đua quân sự. Họ không thể làm được việc đó".

"Tuy nhiên những chuyện này sẽ có những ảnh hưởng xấu đến hợp tác Mỹ - Trung", Zhu lo ngại. "Hiện nay hai nước đang hỗ trợ nhau trong nhiều vấn đề, nhưng những gì diễn ra tuần này sẽ làm giảm mong muốn hợp tác".

Thanh Mai

Post a Comment

 
Top