Sau một khoảng thời gian tiến triển thuận lợi, Bắc Kinh cuối cùng đã vấp phải khó khăn đầu tiên mà khó khăn này đến từ các nước bên ngoài
Năm 2003, phó giám đốc sở xây dựng ở tỉnh Chiết Giang, Dương Tú Châu, ngay lập tức bắt chuyến bay cấp tốc tới Singapore khi nghe ngóng được thông tin chuyên viên điều tra tham nhũng Trung Quốc đang dò xét hoạt động của mình. Vài ngày sau, bà đổi tên và tiếp tục tới New York. Bắc Kinh buộc phải phát lệnh truy nã đối với Dương qua Interpol.
Nhiều năm trước đó, Dương bằng cách riêng của mình trở thành một quan chức có vị trí béo bở ở Chiết Giang, nơi có nền kinh tế bùng nổ vào đầu thập niên 2000. Chính quyền địa phương năm 2004 cho biết bà nhận tổng cộng khoảng 40 triệu USD tiền hoa hồng từ các nhà phát triển bất động sản, theo Xinhua.
Năm 2005, Dương bị bắt tại Amsterdam. Gần một thập kỷ trôi qua với nhiều cuộc đàm phán với chính phủ Hà Lan, Trung Quốc vẫn không thể dẫn giải bà về nước.
Vụ việc của Dương hay những trường hợp tương tự không phải là hiếm ở Trung Quốc. Điều này đặt ra thách thức cho Chủ tịch Tập Cận Bình khi ông đang thực hiện chiến dịch truy tham nhũng quy mô lớn không chỉ "đả hổ diệt ruồi", mà còn theo dấu cả nghi phạm trốn ra nước ngoài. Những người này thường mang theo mình khối tài sản lớn do tư lợi bất chính mà có được. Báo đài Trung Quốc gọi việc truy lùng các quan tham bỏ trốn là "săn cáo".
Dù Trung Quốc có hiệp ước dẫn độ với khoảng 38 quốc gia nhưng họ lại không thể đạt thỏa thuận này với Mỹ, Canada, Australia, ba điểm đến lý tưởng cho các tội phạm kinh tế bị tình nghi, Reuters dẫn nguồn tin từ truyền thông nhà nước. Đây là trở ngại lớn cho việc theo dấu, dẫn giải cũng như tịch thu tài sản của những quan chức trốn chạy.
Những nơi này vừa có mức sống cao, cộng đồng người Trung Quốc đông và hệ thống giáo dục chất lượng hàng đầu. Tất cả đều là tiêu chí hấp dẫn khiến quan tham tin rằng đây là nơi hạ cánh an toàn.
Chính phủ các nước phương Tây từ lâu tỏ thái độ miễn cưỡng khi trao trả nghi phạm Trung Quốc. Họ lo ngại hệ thống tòa án thiếu độc lập và sử dụng các hình thức trừng phạt để lấy lời khai, hay thi hành án tử hình với phạm nhân, bao gồm cả tội danh liên quan đến tham nhũng.
"Có những khác biệt trong hệ thống chính trị cũng như ý thức hệ giữa chúng ta", Lin Xin, nhà nghiên cứu luật quốc tế từ Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nói. "Những khác biệt này ảnh hưởng đến việc dẫn độ".
Trở ngại chồng chất
Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, "hổ lớn" bị điều tra trong chiến dịch chống tham nhũng, bị nghi có một đế chế kinh doanh rộng lớn ở nước ngoài. Ảnh: China Daily
Hồi đầu tháng, Bắc Kinh công bố có hơn 150 "kẻ đào tẩu" dính án kinh tế, bao gồm cả các quan chức tham nhũng đang lẩn trốn ở Mỹ. Interpol ra lệnh bắt đối với 69 người Trung Quốc liên quan đến các hành vi tham ô, gian lận, hối lộ, theo thống kê từ cơ sở dữ liệu công cộng của Reuters.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng phải ra sức vật lộn, đấu tranh với nạn "quan chức tay không". Cụm từ này chỉ việc nhân viên chính phủ chẳng có tài sản gì đáng kể còn lại trong nước, thường gửi hết vợ con và tải sản ra nước ngoài.
Số tiền được cho là bốc hơi khỏi Trung Quốc, tẩu tán ra nước ngoài rất đáng kinh ngạc, khoảng 2,83 nghìn tỷ USD, chỉ trong 6 năm từ 2005 đến 2011, theo số liệu từ Tổ chức Tài chính Toàn cầu có trụ sở tại Washington.
Trung Quốc dẫn độ khoảng 730 kẻ tình nghi liên quan đến các án kinh tế lớn từ hàng chục quốc gia khác nhau từ năm 2008 đến nay, Xinhua cho biết. Dưới ảnh hưởng của cuộc "săn cáo", tháng trước 18 người đã tự thú hoặc bị bắt từ các quốc gia như Campuchia, Indonesia và Uganda. Nhưng vẫn rất ít người trở về từ phương Tây, Liao Ran, điều phối viên cao cấp khu vực Châu Á Thái Bình Dương của tổ chức Minh bạch Quốc tế, cơ quan giám sát tham nhũng tại Berlin, cho hay.
Nổi bật nhất trong số đó có Lại Xương Tinh, kẻ trốn chạy bị truy nã gắt gao ở Trung Quốc. Năm 1999, Lại cùng gia đình bay tới Canada, xin tị nạn ở đây, sau khi có cáo buộc việc hắn điều hành đường dây buôn lậu trị giá nhiều tỷ USD tại thành phố phía đông nam Hạ Môn được hậu thuẫn bởi thế lực chính trị.
Tòa án Canada năm 2011 mới bác đơn tị nạn của Lại và trục xuất hắn sau khi đạt được thỏa thuận với Bắc Kinh rằng Lại sẽ không bị tra tấn hay xử tử. Khi về nước, hắn nhận án tù chung thân.
David Matas, luật sư đại diện cho Lại trong vụ tố tụng yêu cầu tị nạn của hắn cho biết sự việc diễn ra quá lâu vì tòa án Canada muốn đảm bảo Trung Quốc thực hiện đúng cam kết. Lại vẫn rất hoài nghi bởi em trai và kế toán của hắn đều chết trong tù. Người ta chưa bao giờ đưa ra giải thích đầy đủ cho nguyên nhân và hoàn cảnh của cái chết. "Lại lo lắng điều tương tự sẽ xảy đến với anh ta", Matas nói qua điện thoại từ Winnipeg.
Bộ Công an Trung Quốc đang cố gắng thiết lập cuộc họp cấp cao hàng năm với Washington để bàn thảo, hỗ trợ việc giao lại những kẻ bỏ trốn hiện đang ở Mỹ, China Daily hôm 11/8 cho hay.
Phát ngôn viên Bộ Tư pháp Mỹ cũng cho biết cơ quan chức năng nước này sẽ gặp gỡ Trung Quốc tại Bắc Kinh vào tháng 12 để bàn về việc hợp tác thực thi pháp luật bao gồm cả vấn đề người lánh nạn tại cả hai quốc gia. Kết quả của nỗ lực này vẫn còn ở phía trước.
Tháng 7/2013, chính phủ Trung Quốc và Canada kết thúc bàn thảo các vấn đề về chia sẻ tài sản phi pháp bị tịch thu và bàn giao tài sản. Thỏa thuận chưa thành hiện thực vì hai bên không tìm được tiếng nói chung. Theo phát ngôn viên Bộ Tư pháp, đến nay cô vẫn chưa thấy Trung Quốc có động thái thu hồi tài sản của những tội phạm tham nhũng đang hiện diện tại Canada.
Văn phòng chưởng lý Australia cho rằng việc hợp tác dẫn độ hay điều tra tội phạm tham nhũng Trung Quốc ở nước này là một quá trình lâu dài. Phía Australia cũng không thừa nhận hay phủ định việc có yêu cầu hỗ trợ điều tra từ nước ngoài hay không.
Khôi phục khối tài sản chảy ra nước ngoài có thể dễ dàng hơn với Trung Quốc nếu hầu hết các quốc gia đều muốn ngăn chặn dòng tiền tham nhũng qua biên giới, chuyên gia pháp lý nhận định. Dù vậy số tiền hoàn trả đến nay vẫn rất ít ỏi. Ví dụ Australia từ 2002 đến nay mới hoàn được hơn 7 triệu USD tài sản thu từ các hoạt động tham ô, tham nhũng, rửa tiền cho Trung Quốc. Số này không đáng là bao so với hàng nghìn tỷ USD thất thoát của Bắc Kinh.
Việc xác minh liệu một khối tài sản có phi pháp hay không cũng là một bài toán khó. Ví dụ dễ thấy nhất minh chứng cho điều này là ở vụ xét xử Bạc Hy Lai. Bạc sở hữu biệt thự trị giá 3 triệu USD tại Riveria. Đây là bằng chứng quan trọng trong phiên xử tham nhũng của Bạc. Tòa án Trung Quốc muốn tịch thu căn biệt thự nhưng công tố viên lại cho rằng điều đó là không đúng bởi nó là quà tặng của người bạn doanh nhân tới vợ chồng Bạc. Sau một năm, cuộc tranh luận vẫn chưa đến hồi kết, số phận của ngôi biệt thự vẫn chưa được định đoạt.
Theo chuyên gia luật, lựa chọn tốt nhất của Trung Quốc để khôi phục lượng tài sản của mình đó là thông qua hiệp ước chống tham nhũng của Liên Hợp Quốc. Hiệp ước này buộc các bên tham gia phải hoàn toàn hợp tác. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều việc phải làm và chúng đều tốn thời gian.
Nguồn: Vnexpress.net
Post a Comment