Xem thêm "tin tức nội thất gia đình Đăng Khoa mart Sửa máy văn phòng Cách kiểm tra trinh tiết phụ nữ bằng thủ cung sa ở Trung Quốc GuidePedia

0
Nếu bạn là một người thích phim cổ trang hay võ thuật Trung Quốc , nhất là cuốn tiểu thuyết của Kim Dung thì bạn sẽ từng nghe nhắc đến " Thủ cung sa" một chất giúp kiểm tra trinh tiết của một người con gái



Theo truyền thuyết kể lại rằng từ khi còn nhỏ các cô gái đã được chấm một giọt thủ cung sa lên tay, vết này chỉ hết khi người đó có quan hệ với một người đàn ông. Lên chỉ cần nhìn xem trên tay người con gái đó có vết thủ cung sa hay không là biết người con gái đó còn trinh tiết hay không

Nếu bạn đã xem phim Dương Quá và Tiểu Long Nữ thì bạn sẽ gặp cảnh Tiểu Long Nữ bị đạo sỹ phái Toàn Chân Doãn Chí Bình cưỡng đoạt, Lý Mạc Sầu cầm tay Tiểu Long Nữ đã phát hiện ra ngay và liên tục bức ép Tiểu Long Nữ phải khai ra cô đã ăn nằm với ai.


Rất nhiều danh y thời cổ đại cũng từng nhắc tới thủ cung sa và cách bào chế. Danh y thời nhà Lương là Lục Hoành Cảnh từng nói: “Thạch sùng thích bò men theo các tường rào hoặc tường nhà, bắt lấy rồi dùng chu sa để nuôi, sau khi cho ăn đủ 3 cân chu sa thì đem thạch sùng giết đi, tán thành nước dùng bôi lên người phụ nữ. Nếu như người nào sau đó có chuyện chăn gối thì dấu đỏ này sẽ mất đi còn nếu như không có chuyện chăn gối thì vết đỏ đó sẽ biến thành một nốt ruồi màu đỏ, không bao giờ biến mất”. 

Lý Thời Trân trong cuốn sách y nổi tiếng thời cổ đại có tên là “Bản thảo cương mục” cũng có nhắc tới “thủ cung sa” và khi chú thích về tên gọi này, Lý Thời Trân cũng có giảng giải cách bào chế thủ cung sa. 

Vậy thủ cung sa bắt đầu xuất hiện từ khi nào? Chuyện kể rằng, thủ cung sa là một bí thuật lưu truyền trong giang hồ, tuy nhiên, lần đầu tiên nó được sử dụng là trong hậu cung của các Hoàng đế phong kiến. Vào thời bấy giờ, trong hậu cung của các Hoàng đế luôn có tam cung lục viện, các mỹ nhân trong khắp thiên hạ được tập trung về để hầu hạ đấng thiên tử. 

Tuy nhiên, cũng vì số lượng mỹ nữ thì quá đông mà người có khả năng đàn ông duy nhất trong chốn hậu cung ấy lại chỉ có mỗi một mình Hoàng đế, do vậy rất khó tránh khỏi việc các phi tần tìm cách ngoại tình để thỏa mãn nhu cầu bản năng. Hoàng đế vì chuyện này mà cảm thấy rất đau đầu, cho rằng việc kiểm soát các phi tần và cung nữ không thể dựa hoàn toàn vào bọn thái giám bởi việc gì có người quản tức việc đó có gian lận. 

Lúc bấy giờ, khi đem chuyện khó nghĩ của mình nói với một đại thần trong triều mới, vị Hoàng đế này đã được đại thần hiến kế rằng, chi bằng dùng một thứ đánh dấu có thể tồn tại hoặc mất đi để khiến các cung nữ sợ hãi mà không dám làm điều gì trái luật. Lấy thứ gì để có thể đánh dấu được? Đó chính là thủ cung sa. Câu chuyện về nguồn gốc thủ cung sa được ghi chép rất tỉ mỉ trong “Bác vật chí” và vị Hoàng đế được nhắc tới ở trên không phải ai khác mà chính là vị vua nổi tiếng của triều Hán, Hán Vũ Đế.

Mặc dù câu chuyện trong “Bác vật chí” không hề nói rõ thủ cung sa công hiệu tới mức nào, song các triều đình phong kiến từ Hán trở về sau đều sử chấm thủ cung sa lên người các mỹ nữ được tuyển vào cung để sử dụng làm tiêu chí kiểm tra sự trong trắng của họ. Khi thứ thuốc bí truyền này xuất hiện trong dân gian, nó còn được lưu truyền rộng rãi hơn nhiều bởi sự đơn giản và hiệu quả của nó. 

Chính vì vậy, người Trung Quốc dường như không ai không biết tới thủ cung sa. Cũng vì tính ly kỳ và thần diệu của nó nên sau này thủ cung sa được các nhà sáng tác tiểu thuyết võ hiệp sử dụng làm nguyên liệu cho các câu chuyện của mình. Tiểu thuyết của Kim Dung cũng không là ngoại lệ. 

Căn cứ trên những gì sử liệu còn ghi chép lại thì việc sử dụng thủ cung sa để kiểm tra trinh tiết của phụ nữ bắt đầu được lan truyền rộng rãi từ thời kỳ nhà Tống khi Lý học với những quan niệm khắt khe về đức hạnh phụ nữ phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, vào thời kỳ này, do mới bắt đầu sử dụng, chưa có nhiều kinh nghiệm nên thủ cung sa đã gây ra không ít những án oan, những câu chuyện hài hước. Một trong những vụ án oan liên quan tới thủ cung sa nổi tiếng nhất từng được ghi lại có liên quan tới Tống Thái Tổ xảy ra ở vùng Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc.

Chuyện kể rằng, khi Vương Toàn Bân dẫn quân vào Tứ Xuyên tiêu diệt Hậu Thục, Tống Thái Tổ đã căn dặn rất kỹ Vương rằng: “Dẫn quân phải thần tốc, không được đốt phá nhà cửa, giết hại quan lại…”. Tuy nhiên, quân Tống do Vương dẫn đầu không những không làm theo những gì Tống Thái Tổ căn dặn, thậm chí còn sát hại vô số dân thường. Sự tàn bạo của quân Tống khiến người dân Tứ Xuyên oán hận, nổi dậy chống lại.

Để xoa dịu dân chúng, triều đình nhà Tống một mặt công khai trừng phạt những tướng lĩnh phạm tội, mặt khác phái Triệu Quang Nghĩa, em trai của Tống Thái Tổ tới để khuyên nhủ và làm yên lòng dân. Triều đình Tống cũng hứa sẽ giảm thuế và đề bạt những nhân sỹ địa phương có tài làm quan. Cái gọi là đề bạt nhân tài của triều đình Tống thực chất chỉ có tính chất, xoa dịu vì vậy những người được đề bạt chủ yếu là những người có tiền có thế trong vùng, còn những người có thực tài thì chỉ là thứ yếu hoặc không được để ý tới.



Hào phú Lâm Mật ở huyện Vạn ruộng hàng ngàn mẫu, lừa ngựa nuôi thành đàn vì vậy đương nhiên trở thành đối tượng được đề bạt. Sau khi nhận lệnh, Lâm Mật chuẩn bị hành trang tới Khai Phong để gặp Hoàng đế và nhận chức quan. Ngoài người vợ từ thuở kết tóc xe tơ, Lâm Mật còn có 5 người thiếp vô cùng trẻ trung và xinh đẹp. Trong số đó, người thiếp nhỏ nhất và cũng xinh đẹp nhất của Lâm Mật là Hà Phương Tử, năm đó mới chỉ 18 tuổi. Hà Phương Tử vốn là con của Lan đài Lệnh sử Hà Tuyên của triều đình Hậu Thục. Sau khi quân Tống tiêu diệt Hậu Thục, Hà Tuyên không chịu đầu hàng Tống nên đã bị quân Tống giết chết. Cô tiểu thư đáng thương nhà họ Hà, sau khi cha chết, lưu lạc tới huyện Vạn rồi trở thành người thiếp thứ 5 trong gia đình hào phú Lâm Mật. Trước khi lên đường đi Khai Phong nhận chức, mọi việc trong nhà Lâm Mật đều đã sắp xếp đâu vào đó, chỉ có mỗi người thiếp yêu quá xinh đẹp là Lâm không yên tâm chút nào nhưng cũng chẳng biết sắp xếp ra sao. 

Sau khi vắt óc suy nghĩ vẫn không tìm ra được giải pháp nào hợp lý, Lâm Mật quyết định tìm tới người bạn của mình là Thượng Ất Chân nhân ở Thanh Phong quán ở ngoại thành. Đối với Thượng Ất Chân nhân thì đây là một việc rất đơn giản. Trước đó ít lâu, Thượng Ất Chân nhân đã mua được từ các thuật sỹ giang hồ một ít thủ cung sa. Sau khi giảng giải cách sử dụng cũng như tác dụng thần diệu của thủ cung sa cho Lâm Mật, Thượng Ất Chân nhân đã đưa cho vị hào phú này một ít thủ cung sa để sử dụng. Có được bảo vật, sau khi quay về, Lâm Mật đã tự tay mình chấm thủ cung sa lên cánh tay những người thiếp yêu của mình.

Hà Phương Tử vốn là một tiểu thư cành vàng lá ngọc, không chỉ có dung mạo xinh đẹp mà còn là người hiểu biết. Trong tưởng tượng của mình, Hà Phương Tử luôn mong muốn có được một đấng lang quân như ý, không chỉ khôi ngô tuấn tú mà còn văn võ song toàn. Tuy nhiên do hoàn cảnh nhà tan cửa nát, cuối cùng Hà Phương Tử phải đem thân mình gả cho một tên địa chủ đã ngoài 50 tuổi lại còn suốt ngày phải tranh giành sự “sủng ái” với một đám phụ nữ dung tục. 

Bản thân Hà Phương Tử cũng không muốn tham gia vào cuộc tranh giành vô vị này, tuy nhiên, do cô còn trẻ lại xinh đẹp, có học, cốt cách cao quý hơn hẳn những người thiếp còn lại thành ra Lâm Mật suốt ngày quấn quýt cô không chịu rời nửa bước, bỏ rơi những người vợ còn lại. Chính vì vậy, những người phụ nữ này đã hợp lại với nhau thành một phe tìm mọi cách hãm hại Hà Phương Tử.

Sau khi Lâm Mật rời khỏi nhà, 4 người vợ của y vô cùng cẩn thận giữ gìn điểm son nhỏ bằng hạt đậu trên cánh tay, không dám tắm cũng không dám đụng vào. Hà Phương Tử thì ngược lại, cô ghét cay ghét đắng cái chấm đỏ trên cổ tay mình, coi nó giống như một vết nhơ trên người. Vì vậy, Hà Phương Tử gần như không thèm quan tâm tới dấu thủ cung sa, vẫn liên tục tắm rửa, giặt giũ. 

Chẳng bao lâu sau đó, dấu thủ cung sa biến mất không còn để lại chút dấu vết nào. Những người vợ khác của Lâm Mật cuối cùng cũng tìm được dịp để công kích Hà Phương Tử, mỉa mài chế nhạo, thậm chí còn mắng cô là thông gian với trai nên đã mất dấu thủ cung sa. Để chắc chắn hơn, họ bỏ ra không ít công sức ngày đêm rình bên ngoài cửa phòng của Hà Phương Tử để sẵn sàng bắt đôi gian phu dâm phụ. Nửa năm sau đó, Lâm Mật được được phong quan tại Khai Phong vì vậy phái người trở về Thục đem cả 5 người vợ của mình lên kinh thành để cùng nhau hưởng phú quý. Khi 5 người vợ đến kinh thành, ngay đêm hôm đó, Lâm Mật đã không thể đợi được đến sáng hôm sau, đốt đèn để kiểm tra dấu thủ cung sa của những người vợ. Khi xem đến Hà Phương Tử, khuôn mặt luôn mang nụ cười thỏa mãn và đắc ý của Lâm Mật đột nhiên đanh lại. 

Trong cơn tức giận, Lâm Mật đã tát Hà Phương Tử hai cái rồi hỏi dồn dập cô vợ trẻ lý do vì sao. Hà Phương Tử cúi đầu, khuôn mặt gần như không lộ bất cứ tình cảm nào, hai hàm răng trắng cắn chặt lấy môi. Lâm Mật thấy vậy càng thêm tức giận, hạ lệnh cho thủ hạ dùng cực hình để tra khảo. Hà Phương Tử không làm việc gì trái đạo, vì vậy dù chết cũng không chịu nhận có người đàn ông khác. Những đòn roi của Lâm Mật khiến Hà Phương Tử ngày càng tuyệt vọng. Cuối cùng, cô quyết định để lại một bức thư rồi treo cổ tự tử.

Lâm Mật vẫn cho rằng Hà Phương Tử vì xấu hổ mới tìm tới cái chết nên không thèm quan tâm tới bức di thư mà cô để lại rồi vội vã đem chôn người thiếp yêu của mình. Khi còn ở huyện Vạn, với thế lực của Lâm Mật, nếu đánh chết một người hầu hay một người thiếp chỉ cần bỏ ra chút tiền lo lót quan trên thì mọi chuyện lại đâu vào đó. Tuy nhiên, giờ đây khi đã chuyển tới kinh thành, ở ngay dưới chân Hoàng đế, việc có một người chết hoàn toàn không còn là chuyện nhỏ nữa. 

Vì vậy, tin một người thiếp phủ họ Lâm treo cổ tự sát ngay ngày hôm sau đã được đồn đại khắp kinh thành. Phủ Khai Phong sau khi nghe tin lập tức tới điều tra vụ án. Ngay khi mở quan tài ra để kiểm tra thi thể, người ta đã phát hiện ra trên người Hà Phương Tử có rất nhiều vết roi. Khi được gọi tới để xét hỏi, Lâm Mật đã không còn cách nào chối cãi, phải đem toàn bộ câu chuyện kể lại.

Sau khi nghe xong câu chuyện, quan phủ đã dùng chu sa mà Lâm Mật còn thừa lại chấm lên vai ba người phụ nữ sau đó bắt một con thạch sùng sống đặt lên vai một người phụ nữ. Chỉ trong chớp mắt, con thạch sùng đã liếm sạch vết chu sa trên vai người phụ nữ. Vị quan phủ cho rằng, dấu thủ cung sa chấm trên tay phụ nữ sau nhiều ngày không rửa có thể sẽ thấm xuống dưới da khiến việc cọ xát và rửa tay sau đó không làm mất đi ngược lại còn làm nó nổi rõ hơn. 

Cho dù những gì trong truyền thuyết là đúng, nghĩa là một khi những người con gái đã ăn nằm với đàn ông thì dấu thủ cung sa này sẽ mất nhưng nó chỉ có hiệu nghiệm với những người con gái chưa chồng còn Hà Phương Tử lại là một người phụ nữ đã có chồng, vì vậy, Hà Phương Tử bị oan. 

Cuối cùng, quan phủ Khai Phong đã tuyên bố Hà Phương Tử trong sạch còn Lâm Mật do đánh đập dẫn tới cái chết của Hà Phương Tử đã bị cách chức và phạt nặng. Tuy nhiên, khi chuẩn bị thực thi hình phạt đối với Lâm Mật thì y đã chết một cách bí ẩn. Thượng Ất Chân nhân nghe tin Lâm Mật vì sử dụng thủ cung sa mình đưa cho mà bị phạt tội, sợ rằng khó tránh khỏi liên lụy cũng đã nhảy xuống hồ tự sát.

Những người dân vùng Tứ Xuyên rất thương cảm cho Hà Phương Tử. Từ Tứ Xuyên xa xôi, Hà Phương Tử được gọi tới kinh đô để rồi lại bị chết oan nơi đất khách quê người. Chính vì vậy, có người hảo tâm đã xây dựng một ngôi miếu gọi là “Trinh nữ miếu” để thờ Hà Phương Tử. Ngôi miếu này từ đời Tống tới nay đã trải qua nhiều lần tu sửa nhưng tới nay vẫn nằm ở Khai Phong thuộc tỉnh Hà Nam, người ta còn gọi miếu này là “Thủ cung miếu”.

Thực tế có tồn tại một thứ thuốc thủ cung sa có công dụng kỳ diệu như những gì trong truyền thuyết hay không cho tới nay người ta vẫn chưa thể có câu trả lời xác thực nhất. Tuy nhiên, từ góc độ lịch sử lẫn khoa học, nhiều người cho rằng, thủ cung sa chẳng có bất cứ sự liên quan nào tới trinh tiết phụ nữ. Những câu chuyện về thủ cung sa thực chất chỉ là sản phẩm trong xã hội phụ quyền gia trưởng khi người đàn ông có quyền năm thê bảy thiếp nhưng lại bắt những thê thiếp của mình phải chung thủy với họ.

Từ góc độ y học mà nói thì dược tính của thạch sùng là mặn, hàn công hiệu chủ yếu là hoạt lạc, tán kết, kháng ung thư. Dung dịch nước thạch sùng có tác dụng rõ rệt đối với việc khống chế hô hấp của các tế bào ung thư. Ngoài ra nó còn hàm chưa vitamin F, mang theo những hoạt tính chống ung thư. Còn chu sa thì có dược tính là ngọt, mát, công hiệu chủ yếu là an thần, định kinh, sáng mắt và giải độc. Như vậy, cả hai loại “nguyên liệu” bào chế nên thủ cung sa về mặt dược tính đều thuộc loại hàn lạnh, chủ trị giải độc bên trong cơ thể.Tuy nhiên, cả hai thứ nguyên liệu này chủ yếu được sử dụng trong Đông y, chứ trong Tây y có lẽ thạch sùng không bao giờ có thể trở thành một thứ nguyên liệu làm thuốc. Dẫu vậy, xét theo dược tính của cả hai loại nguyên liệu này thì thủ cung sa chỉ có thể là một thứ thuốc hỗ trợ điều trị một số bệnh thông thường như bệnh tích ở trẻ, bệnh tê chân tay,… Nói cách khác, thủ cung sa hoàn toàn không hề liên quan gì tới trinh tiết của phụ nữ.

Thực ra thủ cung sa chỉ có tác dụng như là một thứ giả dược trong y học hay phương pháp ám thị tâm lý. Một khi người phụ nữ bị chấm lên người một dấu thủ cung sa, cùng với những truyền thuyết ly kỳ mà họ được nghe về thứ thuốc kiểm nghiệm trinh tiết này, tự nhiên, họ sẽ hình thành sự sợ hãi và tôn kính đối với nó. Thành ra, từ một dấu đỏ vô hại, thủ cung sa trở thành một thứ gì đó vô cùng thiêng liêng đối với những người phụ nữ. Thái độ của 4 người vợ của Lâm Mật trong câu chuyện đã kể ở trên có thể là một minh chứng rất rõ. 


Post a Comment

 
Top