Xã hội - Quảng cáo sai sự thật, mập mờ về nguồn gốc hàng hóa, thông báo trúng thưởng giả... là những chiêu lừa đảo qua kênh mua sắm truyền hình được Cục Quản lý Cạnh tranh khuyến cáo.
Theo Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương, mua sắm qua truyền hình thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ lừa đảo thông qua việc quảng cáo sai sự thật, chất lượng hàng không đảm bảo và đặc biệt lừa đảo người tiêu dùng qua phần quà trúng thưởng. Những chiêu trò được sử dụng phổ biến gồm có:
Quảng cáo sai sự thật
Theo cảnh báo của cơ quan quản lý Bộ Công Thương, quảng cáo sai sự thật là vấn đề nổi cộm nhất của những lừa đảo mua sắm trên truyền hình. Khi mua hàng, người tiêu dùng không được quan sát trực tiếp, cầm, thử, đánh giá sản phẩm.
Do đó, không ít trường hợp khi mua hàng xong lại phát hiện hàng không như quảng cáo. Chẳng hạn, tính năng không đủ, hoạt động không hiệu quả, chất liệu khác hoàn toàn so với những gì được quảng cáo.
Theo thống kê, những sản phẩm bị quảng cáo sai sự thật trên truyền hình khá đa dạng, từ hàng đắt tiền như nữ trang, đồng hồ, điện thoại... cho đến sản phẩm khác như chổi đa năng, quần áo định hình, đai giảm mỡ, mỹ phẩm, đồ gia dụng...
Một doanh nghiệp quảng cáo bán đồng hồ hàng hiệu trên truyền hình nhưng lại dùng nhiều chiêu trò để lừa người tiêu dùng bằng những chiếc đồng hồ dỏm. Ảnh: Người Lao Động.
Nguồn gốc sản phẩm không rõ ràng
Bên cạnh quảng cáo sai sự thật, một vấn đề khác mà người tiêu dùng thường xuyên gặp phải khi mua hàng qua kênh truyền hình là sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng.
Trên thực tế, nhiều trường hợp sản phẩm đặt mua chỉ có tên nhãn hiệu, không có thông tin về nguồn gốc, xuất xứ. Đặc biệt, hiện tượng quảng cáo thông báo sản phẩm được sản xuất tại Hoa Kỳ, Nhật Bản…, nhưng trên bao bì lại ghi “Made in China”. Sản phẩm liên quan trong lĩnh vực này rất đa dạng, bao gồm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, trang sức, máy tập thể dục…
Lừa đảo người tiêu dùng về việc trúng thưởng
Một số doanh nghiệp bán hàng qua truyền hình thực hiện việc lừa đảo người tiêu dùng bằng cách thông báo họ đã trúng phần thưởng giá trị cao như vàng, đồ điện tử, trang sức…
Tuy nhiên, theo như phản ánh từ các đơn khiếu nại, để nhận được giải thưởng này, doanh nghiệp yêu cầu người tiêu dùng mua thêm một món hàng nữa với giá trị lớn, hoặc đóng 10% tiền thuế hay chuyển khoản vào tài khoản của công ty…
Sau khi làm theo yêu cầu trên, người tiêu dùng nhận được quà nhưng phát hiện phần thưởng là hàng giả, kém chất lượng, đôi khi là đồ chơi và không thể sử dụng.
Không thực hiện đúng quy định về hợp đồng giao kết từ xa
Cục Quản lý Cạnh tranh cũng dẫn lại khoản 3, điều 17, Nghị định 99/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo đó, khi thực hiện việc giao kết hợp đồng từ xa, người tiêu dùng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng đã giao kết trong thời hạn 10 ngày, nếu sản phẩm nhận được không đúng như thông tin và doanh nghiệp cung cấp. Họ cũng không phải trả bất cứ chi phí nào liên quan đến việc chấm dứt, ngoài trả tiền đối với phần hàng hóa.
Tuy nhiên, thực tế, nhiều trường hợp người tiêu dùng yêu cầu trả lại hàng hóa và hoàn lại tiền khi gặp vấn đề về mẫu mã, sản phẩm thì doanh nghiệp thường trốn tránh trách nhiệm và không giải quyết yêu cầu. Việc này đã gây bức xúc và thiệt hại kinh tế lớn cho rất nhiều người tiêu dùng
Post a Comment