Xem thêm "tin tức nội thất gia đình Đăng Khoa mart Sửa máy văn phòng Ba điểm “nóng” về tham nhũng trong giáo dục GuidePedia

0

Trong cuộc đối thoại phòng, chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN phối hợp với ĐSQ Anh tổ chức đã nhận diện các điểm nóng về tham nhũng trong giáo dục, đó là dạy thêm – học thêm, tuyển sinh đầu cấp và lạm thu.

“Phong trào” dạy thêm, chạy trường

Dạy thêm, học thêm dường như đã trở thành căn bệnh trầm kha của ngành giáo dục từ nhiều năm nay.

Theo Bộ GDĐT, tình trạng dạy thêm, học thêm chủ yếu xảy ra ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số thành phố, thị xã, thị trấn của các tỉnh, thành khu vực đồng bằng. Về cơ bản, việc dạy thêm – học thêm nếu được tổ chức đúng quy định, đáp ứng nhu cầu người học thì không có gì sai, nhưng thực tế, nhiều giáo viên đã dựa vào cớ dạy thêm, ép học sinh phải đi học để thu tiền. Nhiều nơi, việc dạy thêm – học thêm phát triển thành “phong trào”. Điển hình như tại các thành phố lớn, khi hầu hết học sinh tiểu học đã được học 2 buổi/ngày nhưng vẫn còn tồn tại rất nhiều những lớp học thêm nhỏ lẻ do các giáo viên tự tổ chức, học sinh dù không muốn cũng vẫn phải đi học.

Mỗi dịp đầu năm học mới, tuyển sinh đầu cấp là dư luận lại rộ lên “phong trào” chạy trường, chạy lớp. Tiêu cực trong tuyển sinh đầu cấp có thể xảy ra ở tất cả cấp học, từ bậc mầm non đến THPT, CĐ và ĐH. Từ việc làm giả hồ sơ, gian lận trong thi cử, trông thi, chấm thi đến “chạy” tiền để vào các trường điểm, lớp chọn… diễn ra hàng năm và không có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Lạm thu đầu năm học cũng là vấn đề luôn gây nhiều bức xúc trong xã hội. Bộ GDĐT cho biết, các vi phạm chủ yếu là tự đặt ra các khoản thu đầu năm ngoài quy định, tự ý thu cao hơn, mượn danh nghĩa các quỹ, Hội hoặc danh nghĩa “tự nguyện” của cha mẹ học sinh để thu thêm các khoản không được phép. Đầu năm học nào ngành giáo dục cũng tiến hành thanh, kiểm tra và năm nào cũng phát hiện ra sai phạm ở nhiều cơ sở.

Ngoài các vấn đề nổi cộm như trên, còn phải kể đến những tiêu cực khác trong giáo dục như bằng giả, mua bán điểm, mua bằng cấp, chứng chỉ, chạy theo bệnh thành tích… đã khiến niềm tin của người dân bị giảm sút, ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng của ngành giáo dục.

Không thể coi là “tham nhũng vặt”

Tại cuộc đối thoại về phòng, chống tham nhũng năm ngoái, các chuyên gia đã gọi tham nhũng trong giáo dục là "tham nhũng vặt". Thế nhưng thực tế cho thấy, đây là loại tham nhũng đặc biệt vì dù thiệt hại vật chất không lớn nhưng thiệt hại vô hình thì khó có thể xác định được vì sức ảnh hưởng rất lớn của nó. TS Bùi Trân Phương, Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen đã từng nhận định: Nạn chạy trường, chạy lớp, học thêm, xin điểm, mua đề thi... là vấn nạn cực kỳ quan trọng bởi lẽ mức độ phổ quát lớn, đa phần ai có con đi học đều dính líu. Các vấn nạn trên có vẻ trở nên bình thường trong xã hội đến mức người ta không cảm nhận được mình đang tham gia vào việc tham nhũng; và cũng không ai dám nói sự thật.

Theo Bộ GDĐT, công tác phòng, chống tham nhũng trong giáo dục chưa có chuyển biến một phần do các cơ sở chỉ thực hiện mang tính hình thức, mặt khác, mức lương quá thấp khiến giáo viên không yên tâm với nghề. Theo Tổ chức phi chính phủ Hướng tới minh bạch, tham nhũng trong giáo dục tại Việt Nam còn do hệ thống pháp lý không đầy đủ; thiếu sự tham gia của người dân vào quá trình giám sát, theo dõi và quản lý trường học; thiếu minh bạch trong việc phân bổ và sử dụng nguồn lực của ngành…

Lãnh đạo Bộ GDĐT nhận định, tiêu cực trong giáo dục rất đa dạng và rất cần những chế tài để khắc phục, giải quyết. Ông Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho biết, nếu chỉ một mình ngành giáo dục đứng ra chống tham nhũng thì sẽ không thể giải quyết được vấn đề. Cần có sự vào cuộc của các cấp, hội, ban, ngành cùng những quyết sách nghiêm khắc mới có thể giải quyết được triệt để. Cùng với đó là sự giám sát, kiểm tra, theo dõi của phụ huynh, người dân đối với các hoạt động của nhà trường. Ngoài ra, một thực tế cho thấy, nếu giáo viên sống được và sống tốt bằng lương, những hành vi sai trái sẽ bớt đi.

Nguyên Minh

Post a Comment

 
Top