Xem thêm "tin tức nội thất gia đình Đăng Khoa mart Sửa máy văn phòng “Loạn” ngôn ngữ ăn theo “Sát thủ…” GuidePedia

0

Mặc dù Cục Xuất bản đã yêu cầu NXB Mỹ thuật, đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện cuốn sách thành ngữ cải biên “Sát thủ đầu mưng mủ”, làm việc lại với đối tác xuất bản để thẩm định nội dung cuốn sách, nhưng đến thời điểm hiện tại, những nội dung trong cuốn sách này đã được sử dụng tràn lan trên mạng, trong đời sống hàng ngày và ảnh hưởng trực tiếp tới ngôn ngữ giới trẻ…


Sáng tạo quá đà

Khi vào các trang mạng bán hàng trực tuyến, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp các cụm từ khá “ấn tượng”: “Giá bèo như con mèo”, “xấu nhưng kết cấu nó đẹp”, hay “hàng chuẩn không cần chỉnh”. Những trang web này thu hút rất đông người tham gia với đối tượng mua hàng chủ yếu là giới trẻ. Họ không chỉ hào hứng với việc trả giá mua hàng mà còn bình luận rất sôi nổi với những cụm từ “tối nghĩa” không kém.

Không chỉ xuất hiện trên mạng, ngôn ngữ trong “sát thủ đầu mưng mủ” còn xuất hiện khá phổ biến trên trang phục của các bạn trẻ. Những thành ngữ của người xưa với ý nghĩa, hình tượng, tương đối chính xác được dùng để ví, để so sánh với những hiện tượng, sự việc xảy ra trong đời sống hàng ngày thì nay đã bị bóp méo thành những câu nói có vần nhưng… thiếu nghĩa: “Một điều nhịn là chín điều nhục”, “một con ngựa đau cả tàu được ăn thêm cỏ”, “ăn trong nồi ngồi trong xó”, “cái khó ló cái ngu”, “có chí thì ghê”…

Không ít bạn trẻ đã thuộc làu làu những câu kiểu như “Không phải chú dốt - Chỉ vì mẹ chú quên cho i ốt vào canh” hay “cống rãnh sóng sánh với đại dương”… Có thể thấy rằng những câu nói này tuy có vần, nhưng hầu hết là vô nghĩa.

Ngay cả trong kinh doanh, không ít cá nhân vì lợi nhuận đã sử dụng khẩu hiệu từ những câu nói vỉa hè nghe vui tai nhằm thu hút khách hàng. Việc sử dụng một cách tùy tiện ngôn ngữ ăn theo “sát thủ đầu mưng mủ” đang ngày càng thịnh hành, thậm chí còn được nhiều người tiếp tục sáng tạo ra nhiều kiểu ví von lạ tai khác. Chị Nguyễn Hồng Thu, ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy lo lắng: “Dạo này đi đâu cũng nghe thấy những câu kiểu như “xấu nhưng biết phấn đấu”. Cậu con trai 14 tuổi của tôi dạo này cũng thường xuyên sử dụng những câu như “chán như con gián”, “cực như con chó mực”… trong sinh hoạt hàng ngày, trong khi “chat” và nhắn tin cho bạn. Thậm chí cháu và một số bạn trong nhóm còn rủ nhau mua áo có in mấy câu nhảm nhí đó để mặc. Tôi đã khuyên con nên điều chỉnh lời ăn tiếng nói của mình nhưng tôi biết điều này là rất khó bởi không thể cách ly cháu với bạn bè và những mối quan hệ xã hội khác bởi hiện cũng có không ít người lớn, các bậc cha mẹ, ông bà cũng sử dụng ngôn ngữ này”…


Xuất hiện nhan nhản các trang web bình chọn cho những câu nói “bất hủ” mới


Đừng để ngôn từ lệch chuẩn

Liệu những câu nói lệch chuẩn trong cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ” được giới trẻ sử dụng nhiều trong thời gian gần đây có làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt hay không và làm thế nào để có biện pháp ứng xử với sự phát triển không ngừng của ngôn ngữ tiếng Việt là điều mà chúng ta nên đặc biệt quan tâm, đặc biệt là những người trưởng thành.

Theo nhà văn Trần Thị Trường, ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội nên nó luôn phát triển cùng xã hội. Hiện tượng “ngôn ngữ chat” và những lời nói như trong cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ” thể hiện sự phát triển không ngừng của ngôn ngữ trong quần chúng, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Cách tạo ra những lời nói này không còn xa lạ với tiếng Việt. Nó là sự thể hiện rõ nhất thói quen ăn nói, sử dụng ngôn từ của người Việt từ xưa đến nay như nói vần dựa vào đồng âm hay gần âm, đối âm và đối nghĩa.

Trong quá trình phát triển một ngôn ngữ bao giờ cũng có những cái mới xuất hiện, trong đó, có những từ ngữ mới. Và thông thường, khi có từ ngữ mới xuất hiện sẽ có phản ứng của cộng đồng sử dụng ngôn ngữ đó. Có thể trong giao tiếp thông thường, trong những sự kiện không quá trang trọng mà ở đó người dùng không nhất thiết phải sử dụng những từ ngữ trau chuốt thì những câu nói kiểu như “ăn chơi không sợ mưa rơi”, “xấu nhưng biết phấn đấu”... như một cách nói vui vẻ, hài hước tăng thêm phần sinh động trong những câu nói, hay đơn giản chỉ để giảm căng thẳng trong cuộc sống.

Về mặt tích cực, thì đôi khi những ngôn ngữ hài hước, châm biếm lại gần gũi và dễ được người dùng, đặc biệt là giới trẻ chấp nhận hơn là những khái niệm kiểu bác học, trừu tượng. Tuy vậy, với những người có bản lĩnh về ngôn ngữ, có nền tảng văn hóa nhất định, thì những ngôn ngữ này không ảnh hưởng gì đến ngôn ngữ vốn có của họ. Theo quy luật thì ngôn ngữ sẽ tự đào thải và loại bỏ nếu nó không còn phù hợp và bản thân nó không thực sự có ý nghĩa với người dùng.

Cũng theo nhà văn Trần Thị Trường, việc hòa nhập ngôn ngữ như hiện nay ở một bộ phận trong giới trẻ đang ở mức đáng báo động. Những câu khẩu ngữ hài hước đó chắc hẳn sớm muộn sẽ chiếm lĩnh tâm hồn của giới trẻ nhanh chóng hơn những câu ca dao mượt mà của ông cha ta từ xưa tới nay. Hình ảnh những con cò miệt mài kiếm ăn, hình ảnh người mẹ hai sương một nắng, hình ảnh của biết bao cánh đồng chứa chan những giọt mồ hôi rơi với những ngôn từ đẹp sẽ bị thay thế bằng những hình ảnh của một anh bộ đội đá quả lựu đạn, hình ảnh của đứa trẻ không chịu ăn đang chơi máy bay dưới mưa... Đã đến lúc, mỗi cá nhân hãy tự giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt cho riêng mình. Bởi lẽ tiếng Việt chính là gốc rễ, là văn hóa, là tâm hồn của người Việt Nam.

Bảo Linh

Post a Comment

 
Top