“Đinh tặc” mất đất sống
Tìm đến nhà ông Nguyễn Thành Long, thường trú tại 85 đường Quy Lưu, phường Minh Khai, TP Phủ Lý, Hà Nam, ấn tượng đầu tiên đối với chúng tôi là một ông già ở cái tuổi đã ngoài 80 dáng người nhỏ nhắn, hài hước, nước da ngăm ngăm do phơi nắng phơi sương.
Ông Nguyễn Thành Long, sinh năm 1928, tại Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Năm 1948 lúc vừa tròn 20 tuổi, ông nhập ngũ tại miền Đông Nam bộ. Năm 1964 ông theo học tại trường Sỹ quan lục quân ở Sơn Tây rồi được điều về công tác tại Sư đoàn 308 tại Phú Thọ. Cuộc đời làm lính của ông vào Nam ra Bắc biết bao nhiều lần, từng trải biết bao gian khổ.
Xuất ngũ năm 1984 với hàm đại úy, ông bà đã có với nhau 5 người con đều thành đạt. Ít ai nghĩ rằng với một con người bao năm lăn lội khắp chiến trường Nam - Bắc, lúc tuổi già về hưu lại đi làm cái việc mà ít ai nghĩ tới đó là nhặt đinh trên đường quốc lộ.
Ông Long bên sản phẩm sau một buổi đi nhặt về
Khi được hỏi về xuất phát từ đâu mà ông có ý nghĩ đi làm công việc này? Ông Long tâm sự: “Tôi luôn nhớ lời Bác dặn: “Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa để lấy gạo giúp đỡ người nghèo”. Bây giờ thời bình rồi, mình cũng nên tích góp cái nhỏ nhặt hàng ngày để giúp những người nghèo đói hơn mình…”. Vậy là ngày đầu tiên ông đi nhặt đinh là đầu năm 1998.
Đoạn đường mà ông cho là nhiều đinh nhất và ông hay đi nhất là đoạn Quốc lộ 1A từ thành phố Phủ Lý đến thị trấn Đồng Văn - Hà Nam dài hơn 15km, trung bình quãng đường ông đi rồi lại quay về lên tới 30km/ngày.
Ông cho biết: “Tính trung bình mỗi năm ông nhặt được từ 38 - 40kg đinh loại dài từ 1 - 10cm mà bọn đinh tặc rải ra đường. Loại đinh thẳng tốt thì về phân loại to nhỏ, khi có bà con họ hàng, làng xóm đến thì ông cho mỗi người một ít về đóng chuồng chim, chuồng gà...”. Còn loại đinh cong và đồng nát phế liệu thì cứ vài ngày ông lại đem bán cho cơ sở thu mua phế liệu. Tất cả số tiền bán đinh và phế liệu đó đều được ông bỏ vào một con lợn nhựa đặt ở đầu giường. “Khi nào đến đợt quyên góp từ thiện là mình lại lấy tiền từ con lợn đó ra”, ông Long cho biết.
Ông kể: “Có lần đang nhặt đinh thì xuất hiện 2 thanh niên dừng xe trước mặt và chắp tay: Con xin cụ, cụ để cho chúng con làm ăn. Tôi đứng dậy nhìn vào mặt bọn chúng nói: Tao có điện thoại di động đây, tao gọi Cảnh sát 113 đến tóm bọn mày luôn bây giờ, thế là chúng bỏ đi”. Ông nói tiếp: “Sức mình có hạn chỉ đi được quãng đường ngắn, mình chỉ nhặt được phần nào. Bọn đinh tặc thì ngày càng lộng hành, chỉ mong pháp luật trừng trị nghiêm khắc bọn chúng để người đi đường tránh gặp phải tai nạn”. Ngoài nhặt đinh trên tuyến đường Quốc lộ 1A, ông Long còn đi những tuyến đường khác như Quốc lộ 21 đoạn thành phố Phủ Lý đến huyện Mỹ Lộc - Nam Định. Không chỉ nhặt đinh trên đường quốc lộ mà mỗi khi gặp vụ tai nạn trên đường là ông lại đến giúp đỡ băng bó, nếu nặng thì gọi xe cấp cứu giúp người ta.
Tuổi cao, sức yếu đã nhiều lần đi nhặt đinh giữa trời nắng chang chang mà bệnh cao huyết áp của ông đã lên, ông kể: “Hôm đó là vào buổi trưa hè năm 2009, khi tôi đang đi nhặt đinh trên Quốc lộ 21 về Nam Định thì thấy hoa mắt và ngã lúc nào không hay biết, may mà có người đi đường tốt bụng họ bắt gặp đưa vào bệnh viện tỉnh Hà Nam”.
Ngồi trò chuyện, ông Long cho chúng tôi xem danh sách giấy chứng nhận những lần ủng hộ tiền từ trước tới nay. Nhẩm tính sơ qua số tiền ông ủng hộ trong những năm qua đã hơn 30 triệu đồng, trong đó chủ yếu là tiền ông bán đinh và phế liệu. Ngoài ra ông còn trích cả tiền lương hàng tháng của mình để làm công việc từ thiện. Những lần ông ủng hộ nhiều nhất là đồng bào miền Trung bị lũ lụt, vụ sập cầu Cần Thơ, nạn nhân chất độc da cam, người nghèo.
Người từng 3 lần được gặp Bác Hồ
Cuộc đời cầm súng vào Nam ra Bắc với bao kỷ niệm đã in sâu vào con người, tâm trí của ông, nhưng có lẽ nhớ nhất đối với ông là 3 lần vinh dự được gặp Bác Hồ.
Đó là 3 lần ông nằm trong danh sách tốp chiến sỹ được vinh danh điển hình tiên tiến, chiến sỹ thi đua xuất sắc. Ông kể: “Lần đầu tiên gặp Bác là vào năm 1954, khi Bác cùng cán bộ Đảng từ chiến khu Việt Bắc về tiếp quản Thủ đô. Khi đó đã được chụp ảnh lưu niệm cùng Bác ở trước Phủ Chủ tịch. Lần thứ hai được vinh dự gặp Bác Hồ năm 1956 tại một căn nhà cấp 4 ở Hà Nội. Lần cuối cùng ông vinh dự gặp Bác Hồ là năm 1960 tại Phủ Chủ tịch. Lần đó ông đã vinh dự cùng Bác Hồ và một số đồng chí xem lại cuốn phim tư liệu về Mỹ thả bom nguyên tử xuống thành phố Hirosima và Nawazaki của Nhật Bản”.
Ông Long nói: “Mình làm được việc như thế này cũng chính là học tập được từ tấm gương của Bác Hồ. Chỉ tội là mình ngày càng tuổi cao sức yếu, thấy nhiều công việc muốn làm nhưng không còn sức để làm mãi được”. Ngoài ra ông Long còn 2 lần vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào các năm 1956 và gần đây nhất là 2001 khi ông đi mừng thượng thọ Đại tướng.
Cũng từ ký ức 3 lần gặp Bác Hồ, nhiều lần chung vai sát cánh cùng đồng đội vậy nên hiện giờ trong căn phòng nhỏ nghỉ ngơi và làm việc của ông đã sưu tầm được rất nhiều những tài liệu sách báo, tranh ảnh về Bác Hồ và các đồng đội, đồng chí cán bộ cách mạng qua các thời kỳ.
Ông cũng cho biết hiện giờ trong phòng sách của ông đang lưu giữ được gần 100 đầu sách viết về Bác Hồ, trong đó có những quyển rất quý giá. Ngoài ra ông Long cũng đã gửi tặng nhiều tài liệu cho Bảo tàng Bình Dương, quê hương ông để làm kỷ niệm.
Từ những đóng góp, những việc làm từ thiện trong hàng chục năm qua, ông Long đã được nhiều cơ quan, đoàn thể địa phương, tỉnh Hà Nam trao tặng nhiều bằng khen, giấy chứng nhận tham gia làm từ thiện như: Bằng khen của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Nam…
Post a Comment