Xem thêm "tin tức nội thất gia đình Đăng Khoa mart Sửa máy văn phòng Bao nhiêu ngân hàng là đủ? GuidePedia

0
Những ngày qua, các đại biểu Quốc hội chất vấn Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng. Lãnh đạo cao nhất của Chính phủ và ngành ngân hàng cùng cho rằng tái cơ cấu ngân hàng là bắt buộc để nền kinh tế phát triển chiều sâu.

Kỳ cuối: Còn nhiều trở ngại

Thế nhưng, việc tái cơ cấu này không phải một sớm một chiều mà thực hiện được. Nó còn những khó khăn hữu hình và vô hình cho nên cần có một lộ trình chặt chẽ.

Theo các chuyên gia, khó khăn thứ nhất là rào cản về pháp lý. Hiện nay, pháp luật chưa quy định như thế nào là một ngân hàng yếu kém cần phải sáp nhập, mua bán. Do đó, dẹp một ngân hàng hoàn toàn không dễ nhất là khi ngân hàng đó không tự nguyện. NHNN cũng không thể ra lệnh cho một ngân hàng nào đó phải sáp nhập, hợp nhất… vì chưa có quy chuẩn pháp luật cụ thể để cho rằng ngân hàng đó không đủ điều kiện tiếp tục tồn tại.

Khó khăn thứ 2 là bảo vệ ngân hàng nằm trong diện phải sáp nhập. Do các quy định hiện nay về trình tự thủ tục, hồ sơ và đề án sáp nhập các ngân hàng cần phải thông qua nhiều cơ quan và với thời gian khá dài nên việc giữ bí mật thông tin về ngân hàng phải sáp nhập là không dễ dàng.

Việc tái cơ cấu ngân hàng không phải một sớm một chiều mà thực hiện được.

Khó khăn thứ 3 là phương án sáp nhập. Ngân hàng là một đơn vị kinh doanh đặc biệt với quy mô lớn và liên quan đến nhiều người do đó việc lên phương án sáp nhập hay giải thể là một công trình lớn đòi hỏi sự tỷ mỉ chi tiết. Quá trình này có liên quan mật thiết đến người gửi tiền và hoạt động của khách hàng vay vốn. Rồi xác định số nợ quá hạn có khả năng thu bao nhiêu, bao giờ bán được tài sản để thu về…? Ngoài ra, việc sáp nhập ngân hàng nào vào ngân hàng nào; ngân hàng nào đủ sức mua lại các ngân hàng yếu kém; giá cả ra sao… Đó là bài toán tài chính hết sức hóc búa đò hỏi phải giải xong trươc khi có quyết định chính thức về việc sáp nhập…

Việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là cần thiết nhưng cực kỳ khó khăn và không thể diễn ra một sớm một chiều mà đòi hỏi phải có quá trình chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng về cả hành lang pháp lý, công tác thông tin tuyên truyền, lộ trình cụ thể và phương án thực hiện để tránh vỡ hệ thống, ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền…

Ý kiến chuyên gia:

Nóng lòng với việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, những người trong cuộc và các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính đã góp ý cho công cuộc này.

Ông Nguyễn Văn Tuân, Phó Tổng giám đốc Vietcombank: Cần phải minh bạch

Điều quan trọng nhất để tái cơ cấu ngân hàng hiệu quả trước tiên phải giải quyết sự minh bạch của hệ thống. Hàng loạt điểm mà NH cần minh bạch như: Nợ xấu, quản trị, cơ chế, chính sách… Ngân hàng lớn hay bé cũng đều có chuẩn chung là sự minh bạch và dựa vào đó để chúng ta bắt bệnh cho từng đơn vị, đưa ra những liều thuốc để trị bệnh.

Ví dụ, hiện nay nhiều người trong ngành yêu cầu các ngân hàng lớn “gánh” ngân hàng nhỏ. Nhưng điều này liệu có ổn không? Bài toán này khó có câu trả lời thỏa đáng nếu chúng ta chưa biết “giá trị thật” của các ngân hàng lớn, nhỏ ra sao. Vì thế, theo tôi, gốc vấn đề là ở đây: Khi hệ thống minh bạch là khắc có trật tự, việc tái cấu trúc có hiệu quả. Nếu NHNN yêu cầu ngân hàng lớn gánh ngân hàng nhỏ để hệ thống không gãy bất thường, chắc chắn nhiều ngân hàng đồng tình. Nhưng, trước khi có những động thái đó, tôi nghĩ NHNN phải bắt đầu bằng sự minh bạch của hệ thống, ngay cả việc giao trách nhiệm cho từng ngân hàng cũng cần minh bạch, rõ ràng với tiêu chuẩn đầy đủ, nhất quán về yêu cầu, lợi ích và thiệt hại nếu có.

Thạc sỹ kinh tế Đỗ Lam Điền: Ngân hàng lớn cũng nên sáp nhập

Tôi đồng tình với chiến lược tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Ngân hàng nào yếu thì nên mua bán, sáp nhập, nhưng tôi khuyến khích cả các ngân hàng mạnh sáp nhập với nhau để trở thành ngân hàng siêu mạnh. Trên thế giới từng có nhiều hãng hàng không, tập đoàn lớn cũng sáp nhập để tạo nên những tập đoàn khổng lồ. Đây là cách giúp lành mạnh hóa hệ thống, để không chỉ cạnh tranh trong thị trường nội địa mà còn cạnh tranh với các ngân hàng nước ngoài. Tôi cho rằng, việc sáp nhập, mua bán, tái cơ cấu ngân hàng còn phải căn cứ vào năng lực quản trị của từng đơn vị vì ngân hàng yếu hay mạnh không phải chỉ bởi vốn nhiều hay ít mà ở năng lực quản trị. Như vậy, trong kế hoạch tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cần đưa ra tiêu chí rõ ràng về những tiêu chuẩn mà một ngân hàng phải có (vốn, năng lực điều hành); quy định cụ thể về vốn điều lệ; những điều kiện tối thiểu về năng lực, kinh nghiệm… của các thành viên HĐQT, Ban tổng giám đốc,... chứ không phải ai có tiền cũng đều có thể điều hành ngân hàng.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy Ban giám sát Tài chính quốc gia: Phải biết con số thật về nợ xấu

Năm 2000, vốn điều lệ toàn hệ thống ngân hàng là 500 triệu USD, tổng tài sản vào khoảng 10 tỷ USD. Đến năm 2011, vốn điều lệ lên tới 12,5 tỷ USD, tổng tài sản vào khoảng 180 tỷ USD. Chỉ trong vòng 10 năm, tổng vốn và tài sản tăng 18 lần. Cùng với tốc độ đó, lẽ ra trình độ quản lý cũng tăng theo nhưng thực tế vẫn là ông chủ đó với các triết lý quản lý cũ. Họ chủ yếu thành lập ngân hàng để tăng vốn cho tập đoàn, công ty của mình. Khi quản trị doanh nghiệp lạc hậu đương nhiên dẫn đến chất lượng tài sản thấp và nợ xấu cao. Đến nay, ngay cả Ủy ban giám sát Tài chính quốc gia và NHNN cũng không biết chính xác số nợ xấu là bao nhiêu vì ngân hàng báo cáo thực. Theo tôi, nguyên nhân của điều này là do hạch toán không minh bạch, đạo đức nghề nghiệp méo mó. Thực tế cho thấy chỉ 1/3 các báo cáo của ngân hàng là tương đối, còn lại đều đáng nghi ngờ. Nhiệm vụ trước khi tái cấu trúc là phải biết con số thực về nợ xấu. Nếu không biết dược con số này thì chương trình tái cấu trúc là vô nghĩa.

Ông Nguyễn Hữu Đặng, Tổng giám đốc HDBank: Chủ động tái cấu trúc nội bộ

Vấn đề đặt ra là tái cấu trúc để hình thành những ngân hàng chất lượng và những chỉ số hoạt động tốt để tăng sức mạnh cho toàn hệ thống, góp phần phát triển kinh tế ổn định. Mỗi ngân hàng phải chủ động thực hiện tái cấu trúc bộ máy hoạt động để nâng cao năng lực, đáp ứng được các nhiệm vụ hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội. Nhìn trước xu thế này, từ những năm 2008 công tác tái cấu trúc tại HDBank đã diễn ra mạnh mẽ và đến nay có thể nói đã mang lại những kết quả khả quan. HDBank có mức tăng trưởng hơn 70%/năm, trở thành một ngân hàng đa năng, cung cấp đầy đủ các nhu cầu về tài chính cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Tái cấu trúc phải được bắt nguồn từ sự nỗ lực của mỗi ngân hàng, từ đó sẽ góp phần mang lại sức mạnh cho toàn hệ thống”. (P.Nhi – T.N ghi).

Post a Comment

 
Top