Trao đổi với PV, ông Lý Trần Tình, Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y Hà Nội (Bệnh viện Tâm thần Hà Nội) cho biết, mỗi năm Trung tâm tiếp nhận khoảng 100 trường hợp là các tội phạm hình sự và dân sự vào giám định bệnh tâm thần. Những người này phải ở tại Trung tâm ít nhất 3 tuần để theo dõi sau đó trả về cơ quan pháp luật.
Cũng theo ông Tình, trong số những ca đến giám định tại Trung tâm, có một số trường hợp là giả bệnh hoặc cố tình làm tăng triệu chứng bệnh và họ cho rằng bệnh này dễ giả vờ hơn các bệnh khác. Tuy nhiên, thực tế chưa ai qua mắt được cán bộ Trung tâm sau một thời gian bị các nhân viên giám sát trực tiếp và theo dõi qua camera 24/24.
Ông Lý Trần Tình, Giám Bệnh viện Tâm thần Hà Nội kiêm Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần Hà Nội |
“Năm nào chúng tôi cũng gặp một số trường hợp như vậy nhưng trong quá trình giám định chúng tôi chưa bị lừa ca nào. Những người này có thể họ tự bảo bị bệnh hoặc do người nhà mách nước để trốn sự truy tố pháp luật. Tuy nhiên, khi đến Trung tâm theo dõi, giám định một thời gian chúng tôi kết luận không có bệnh”, ông Tình thông tin.
Các “chiêu” giả bệnh của một số đối tượng này thường là vờ như không biết gì cả, hỏi gì cũng bảo là không biết, không nhớ. Thế nhưng với nghiệp vụ và kinh nghiệm, những chiêu, trò này đều bị các bác sĩ trong Trung tâm lật tẩy.
Bên cạnh đó lại có trường hợp mắc bệnh nhưng lại cố giấu bệnh. Bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Phó giám đốc Trung tâm kể về 1 trường hợp mắc bệnh nhưng lại cố tỏ ra bình thường và vu cáo bị chồng lên kế hoạch hãm hại:
"Chị này lúc nào cũng nghi chồng bỏ thuốc độc vào nước uống, thức ăn nên chồng đưa gì cũng không dám ăn, thậm chí gửi gạo, xin nước ở nhà hàng xóm về ăn và một mực đòi ly dị chồng. Khi ra tòa, ông chồng khẳng định là vợ bị bệnh chứ không phải ông có ý hại vợ và tòa đã yêu cầu chị này đi giám định. Khi đến đây, hai ngày đầu, chị này cố tỏ ra là người bình thường và nghi chồng mua chuộc nhân viên Trung tâm nên cũng không ăn uống gì. Thấy vậy, con gái chị ta phải nhờ một anh bạn là công an hàng ngày mang cơm ở ngoài vào cho chị này ăn nhưng cũng chỉ được ngày đầu. Những ngày sau đó chị ấy mang để góc nhà bảo không ăn vì trong đó có độc. Lúc này con gái chị cũng mới tin mẹ mình mắc bệnh”.
Bà Hoa cũng cho biết, một số tội phạm vào giám định đã có biểu hiện gây gổ với cán bộ, nhân viên trong Trung tâm. Có trường hợp còn hùng hổ tuyên bố “vào trong trại các thầy cũng phải chăm sóc cháu”.
Bệnh viện Tâm thần Hà Nội
“Đã là tội phạm tính cách của họ khó thay đổi, ở ngoài họ coi trời bằng vung thì vào đây họ không thể coi mình hơn được. Khả năng chấp hành nội quy của những người này cũng kém, có thể gây sự bất cứ lúc nào. Có trường hợp có công an canh giữ nhưng vẫn phải quản lý trong phòng, không cho ra ngoài vì sợ gây nguy hiểm cho những người xung quanh”, bà Hoa cho biết.
Cũng theo bà Hoa, người nhà một số tội phạm dân sự đã đặt vấn đề làm kết quả giám định giả để được miễn hoặc giảm truy tố pháp luật. Tuy nhiên, Trung tâm đã thẳng thắn từ chối. Cũng vì thế mà có người đã tìm cách đe dọa cán bộ, nhân viên Trung tâm.
“Có lần sau khi trả kết quả giám định không mắc bệnh tâm thần cho một đối tượng, tôi phát hiện có người nhà của họ đứng canh ở cổng. Sợ nguy hiểm đến tính mạng, tôi nhờ một nhân viên nam trong Trung tâm dắt xe ra khỏi cổng, bịt mặt kín để thoát khỏi sự theo dõi của người này. Ngay sau khi phát hiện bị lừa, họ đã lên xe đuổi theo nhưng rất may tôi đã đi vào ngõ nên họ không tìm được”, bà Hoa kể.
Do tính chất công việc tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nên bà Hoa cho biết, cán bộ, nhân viên làm việc trong Trung tâm đang yêu cầu có quyền được bảo vệ.
Post a Comment