Dưới đây là 10 sự kiện thế giới nổi bật nhất trong năm 2011 do tạp chí Time (Mỹ) bình chọn.
2011 được xem là năm xảy ra nhiều biến cố trên thế giới, từ sự kiện Mùa xuân Ả Rập ở Ai Cập, trùm khủng bố Osama bin Laden bị tiêu diệt cho đến thảm họa kép động đất, sóng thần ở Nhật Bản, cuộc khủng hoảng nợ ở khu vực đồng euro...
1. Mùa xuân Ả Rập ở Tunisia và Ai Cập
Cuộc nổi dậy lật đổ Tổng thống Zine el Abidine Ben Ali ở Tunisia vào đầu năm nay đã kích động phong trào Mùa xuân Ả Rập, một làn sóng các cuộc biểu tình đòi hỏi dân chủ và thay đổi chế độ tại các nước Trung Đông và Bắc Phi.
Tại Ai Cập, Tổng thống Hosni Mubarak cũng đã bị truất phế hồi tháng 2.2011 sau hơn bốn thập niên cầm quyền. Và ngày 28.11 vừa qua, khoảng 50 triệu cử tri nước này đã đi bỏ phiếu để bầu ra một quốc hội mới.
|
2. Osama bin Laden bị tiêu diệt
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 1.5 chính thức thông báo Osama bin Laden - thủ lĩnh mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda - đã bị tiêu diệt.
“Công lý đã được thực thi. Cái chết của bin Laden đánh dấu thành tựu vẻ vang nhất của chúng ta từ trước đến nay trong nỗ lực đánh bại al-Qaeda”, ông Obama tuyên bố.
Mất nhiều năm để truy lùng và thu thập tin tức tình báo nhưng lực lượng an ninh Mỹ chỉ tốn chưa đầy 40 phút trong đêm 30.4 - rạng sáng 1.5 để tiêu diệt nhân vật bị truy nã số 1 của nước này.
Mỹ phát hiện bin Laden trong một khu nhà tại Abbottabad, cách thủ đô Islamabad của Pakistan khoảng 53 km.
Cái chết của bin Laden đánh dấu thành quả to lớn nhất trong nỗ lực chống al-Qaeda của nước Mỹ, song liệu sự kiện này có đặt dấu chấm hết cho hoạt động của mạng lưới al-Qaeda hay không hiện vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
|
3. Thảm họa động đất, sóng thần tại Nhật Bản
Thảm họa kép động đất, sóng thần ngày 11.3 ở miền đông bắc Nhật Bản đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 16.000 người. Hơn 12.000 người khác được cho đã bị mất tích.
Đây là thảm họa tồi tệ nhất tại xứ sở hoa anh đào kể từ năm 1923 với trận động đất tại Kano khiến hơn 142.000 người tử vong.
Thảm họa trên đã gây ra cuộc khủng hoảng hạt nhân chưa từng có tại Nhật Bản và khiến cho đất nước mặt trời mọc thiệt hại ước tính lên đến 235 tỉ USD, tương đương 4% GDP, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) hôm 21.3.
|
4. Khủng hoảng nợ ở eurozone
Cuộc khủng hoảng nợ của khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) hiện đang ở mức báo động đỏ. Cơn lốc khủng hoảng đã cuốn trôi Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou, người đã phải tuyên bố từ chức thủ tướng vào hôm 9.11.
Cuộc khủng hoảng này cũng đã khiến Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi phải ra đi vào ngày 12.11, sau 17 năm thống trị chính trường quốc gia hình chiếc ủng này.
|
5. Cuộc nội chiến tại Libya
Bốn thập kỷ cầm quyền của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi kết thúc một cách ghê rợn vào ngày 20.10.2011, song những tháng ngày trước cái chết của ông cũng đẫm máu không kém.
Vào đầu tháng 3, cuộc nổi dậy tại Libya trở thành một cuộc nội chiến toàn diện khi các tay súng không được đào tạo cầm vũ khí chiến đấu với lực lượng của ông Gaddafi. Một số đồng minh và tướng lãnh dưới quyền ông Gaddafi đã đào tẩu để tham gia cuộc nổi dậy.
Với những tin đồn về mối đe dọa diệt chủng nếu quân của ông Gaddafi tiến chiếm thành lũy Benghazi của quân nổi dậy, Liên Hiệp Quốc đã thông qua một nghị quyết vào tháng 3, hợp pháp hóa sự can thiệp của nước ngoài. Các chiến dịch của NATO chính thức bắt đầu vào đầu tháng 4 và dần đẩy lui quân của ông Gaddafi.
Vào cuối cuộc chiến, khoảng từ 20.000 đến 40.000 người Libya đã thiệt mạng và hàng trăm người khác mất nhà cửa.
|
Cuộc không kích đều đặn của NATO đã cho phép quân nổi dậy tiến chiếm thủ đô Tripoli, khiến Gaddafi và những người trung thành phải rút về cố thủ tại thành phố quê hương Sirte. Vào ngày 20.10, sau khi bị phát hiện đang trốn trong một cống rác, ông Gaddafi bị quân nổi dậy bắt giữ và giết chết.
6. Mùa xuân Ả Rập chìm trong tang tóc
Tại Tunisia và Ai Cập, các cuộc nổi dậy đã lật đổ những nhà lãnh đạo lâu năm. Song các cuộc biểu tình tương tự ở Syria và Yemen diễn ra theo chiều hướng khác.
Sau nhiều tháng chứng kiến phong trào nổi dậy của các bộ lạc và tình trạng đào ngũ của những lãnh đạo quân sự chủ chốt, Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh đã đồng ý ra đi. Tuy nhiên, có khoảng 2.000 người biểu tình đã thiệt mạng trong thời gian này và hiện vẫn chưa rõ một trật tự chính trị mới nào sẽ hình thành tại một trong những đất nước Ả Rập nghèo nhất trên thế giới.
Tại Syria, tình trạng bạo lực còn dữ dội hơn rất nhiều. Chế độ của ông Bashar Assad đã dùng xe tăng và súng ống để đối phó với người biểu tình trong nỗ lực nhằm giữ vững quyền lực. Theo ước lượng của Liên Hiệp Quốc, có hơn 3.500 người đã thiệt mạng trong các cuộc trấn áp đẫm máu vốn chưa có hồi kết.
7. Nạn đói ở vùng Sừng châu Phi
Vùng Sừng châu Phi có vẻ như là một trong những khu vực bất ổn triền miên trên thế giới, bị quấy rầy bởi vô số các cuộc nổi dậy, chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và sự yếu ớt của chính phủ Somalia ở Mogadishu.
Vào tháng 7, Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố nạn đói tại phần lớn khu vực phía nam Somalia.
Hàng trăm người chịu nạn đói ở Somalia đã chạy đến các trại tị nạn ở biên giới Kenya. Các nỗ lực cứu trợ tại miền nam Somalia trở nên phức tạp bởi sự thống trị của nhóm al-Shabab, một nhóm Hồi giáo cực đoan có liên hệ đến al-Qaeda. Trong khi Liên Hiệp Quốc đắn đo với việc cung cấp chính xác số người chết đói, một số ước lượng cho biết con số này là hàng chục ngàn người.
8. Vụ thảm sát Utoeya
Vào ngày 22.7, Na Uy trải qua một trong những vụ bộc phát bạo lực đẫm máu nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tại Oslo, một chiếc xe bom phát nổ gần các tòa nhà chính phủ, làm thiệt mạng tám người và gây sửng sốt người dân Na Uy, những người chứng kiến từng cột khói bốc lên từ trung tâm thủ đô.
|
Mọi chuyện càng trở nên kinh hoàng với tin tức một tay súng bắn chết 69 người vốn đang tham gia một hội trại hè của giới trẻ do đảng Lao động cầm quyền tổ chức trên đảo Utoeya.
Trong khi một số nhà bình luận nhanh chóng hướng vụ tấn công về phía các nhóm khủng bố Hồi giáo, nhà chức trách rốt cuộc đã chỉ ra một hung thủ duy nhất: Anders Behring Breivik, một kẻ cuồng tín cực hữu 32 tuổi.
Breivik, người thừa nhận tội lỗi, đã được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần, đồng nghĩa với việc hắn có thể sẽ được gửi đến một viện tâm thần thay vì phải ngồi tù.
9. Giấc mơ nhà nước Palestine chóng tàn
Với sự suy tàn của tiến trình hòa bình Trung Đông, lãnh đạo chính quyền Palestine đã chọn cách đệ đơn trực tiếp lên Liên Hiệp Quốc xin công nhận là nhà nước độc lập.
Trong nhiều tháng trước phiên họp vào tháng 9 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Israel và Mỹ đã cảnh báo về động thái này, lập luận rằng việc công nhận nhà nước Palestine chỉ có thể đạt được thông qua đối thoại trực tiếp với Israel.
Khi Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas xuất hiện trước Đại hội đồng và thông báo về việc đệ đơn xin công nhận nhà nước Palestine, ông được hoan nghênh nhiệt liệt và được chào đón như một người hùng khi trở về nước.
Tuy nhiên, nỗ lực trên dường như đã chết yểu trong vài tháng sau đó. Một lá phiếu phủ quyết chắc chắn của Mỹ cùng áp lực mà Washington tạo ra với các thành viên Hội đồng Bảo an bảo đảm rằng kiến nghị của người Palestine thậm chí sẽ không được đưa ra trước Đại hội đồng.
10. Cuộc tuyệt thực chấn động Ấn Độ của Anna Hazare
Trong một năm chứng kiến phong trào biểu tình nổ ra tràn lan, hành động thể hiện sự bất đồng nổi bật nhất có lẽ xảy ra tại Ấn Độ, nơi liên minh cầm quyền đối mặt với một loạt các vụ tham nhũng dính líu đến một số chính trị gia hàng đầu.
Nhà hoạt động 74 tuổi Anna Hazare đã thực hiện một loạt các cuộc tuyệt thực nhằm phản đối tình trạng tham nhũng mà những người ủng hộ ông nói rằng lan tràn khắp mọi tầng lớp trong xã hội Ấn Độ.
Những cuộc tuyệt thực của Hazare đã kích động các cuộc biểu tình ủng hộ tại khắp các thành phố lớn của Ấn Độ và gây áp lực buộc chính phủ phải thành lập một cơ quan thanh tra độc lập có khả năng điều tra các chính trị gia cao cấp nhất nước, thậm chí cả thủ tướng.
Post a Comment