>> Chủ quán ghen tuông cạo đầu, xăm lên mặt cô gái trẻ
Không dừng lại ở đó, bà Trâm còn cho G chọn một trong 2 phương án, hoặc là tạt axit vào mặt hoặc là xăm 3 hình “quái vật”: 1 hình trên mặt và 2 hình ở ngực, rồi cho về quê.
Bị đẩy vào bước đường cùng, G chọn xăm hình rồi sau đó trở về quê với 2 bàn tay trắng cùng với nỗi đau đớn tột cùng cả về thể xác và tinh thần.
Trước nội dung vụ việc và sự bức xúc của dư luận, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) dưới góc nhìn pháp lý về vụ việc này.
Luật sư Trương Anh Tú cho hay: Trước hết, tôi cũng như nhiều bạn đọc, gửi đến nạn nhân và gia đình sự chia sẻ và cảm thông sâu sắc với nỗi đau mà em Nguyễn Thị G phải trải qua. Măt khác, tôi cũng bày tỏ sự phẫn nộ, lên án hành vi của Nguyễn Thị Trâm - kẻ đã gây ra nỗi đau cho em G.
Xét thấy, như nội dung báo chí đưa tin thì hành vi của Nguyễn Thị Trâm có dấu hiệu của “Tội hành hạ người khác” được quy định tại Điều 111, Bộ luật Hình sự, điều này quy định rõ “Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.
Khách thể trực tiếp của loại tội này không phải là mọi công dân nói chung mà chỉ là những người lệ thuộc vào kẻ phạm tội trên phương diện xã hội, công tác hay tôn giáo chứ không xét về quan hệ hôn nhân gia đình hay trong lực lượng vũ trang.
Ở đây, G là nhân viên làm thuê cho vợ chồng Nguyễn Thị Trâm, với việc hàng tháng Trâm gửi về quê cho mẹ G một triệu đồng và “giữ lại một khoản cho G sau này lập gia đình” thì rõ ràng G đang có sự lệ thuộc vào vợ chồng Trâm. Trâm là chủ, đã có hành vi cố ý “giam hãm, cắt tóc và ép G xăm mình” đây được coi là hành vi đối xử tàn ác mang tính chất hành hạ người lệ thuộc vào mình.
Theo Luật quy định thì Trâm có thể bị kết án về “Tội hành hạ người khác” với khung hình phạt tù từ ba tháng đến hai năm với tình tiết tăng nặng quy định tại điểm h, khoản 1 điều 48 BLHS 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009: “Phạm tội với trẻ em, phụ nữ có thai, người già, người ở trong tình trạng không thể tự vệ được hoặc đối với người lệ thuộc mình về vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác”.
Bên cạnh đó G có phản ánh việc bà chủ ép G “tiếp khách” và mỗi lần G từ chối thì đều bị Trâm cho người vào “dằn mặt” và đặc biệt G mới là một cô gái 17 tuổi. Về việc này, cần yêu cầu cơ quan Công an vào cuộc làm rõ hành vi kinh doanh Karaoke trá hình của Nguyễn Thị Trâm và chồng là Phạm Thế Phong để có biện pháp xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao có rất nhiều cơ hội để G có thể kêu cứu từ bên ngoài mà G lại không thực hiện để tự cứu mình, ví như việc khi trên đường bị trở đến chỗ xăm mình, G có thể kêu cứu, nhưng G đã không làm, phải chăng có uẩn khúc gì ở đây?
Sự việc nêu trên cũng là bài học cho nhiều bạn gái trẻ phải tha hương kiếm sống, hãy biết tự bảo vệ mình trước những mặt trái của xã hội, để tránh sự việc đáng tiếc như trên.
Post a Comment