Xem thêm "tin tức nội thất gia đình Đăng Khoa mart Sửa máy văn phòng Cấm sử dụng gỗ lậu - Bao giờ? GuidePedia

0

Thông tin trên Báo SGGP ngày 11-12 cho biết, trên chuyến xe chở gỗ bị lật tại xã Châu Lý, Quỳ Hợp, Nghệ An làm 10 người chết có mặt một trưởng trạm kiểm lâm và một kiểm lâm viên. Điều này cho thấy sự không minh bạch của hoạt động kiểm lâm trên địa bàn. Và vấn đề đặt ra, có hay không sự tiếp tay của cán bộ, nhân viên kiểm lâm trong vụ việc này nhằm rút ruột rừng?

Lâu nay, dư luận vẫn xì xào về nhiều kiểm lâm viên nhận tiền để thông cầu cho gỗ về xuôi với giá bạc triệu và đã có một số vụ việc bị bắt quả tang như ngày 16-7-2008, Công an Quảng Bình khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Xuân Việt, Trạm trưởng Trạm kiểm soát lâm sản Đèo Ngang (thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Trạch), can tội nhận hối lộ 9.000 USD của lâm tặc để cho qua trạm một xe vận chuyển gỗ lậu.

Lâm tặc ngang nhiên vận chuyển gỗ lậu.

Tại Quảng Bình, một nhân viên kiểm lâm giấu tên nói rằng lượng gỗ lậu trong dân chúng nhiều hơn gỗ hợp pháp gấp hai hoặc gấp ba lần. Có những cuộc kiểm tra ở nhà dân hoặc một số địa phương miền núi Tuyên Hóa, Minh Hóa gỗ lậu gần như có ở khắp các nơi đoàn đi qua và ở đó có sự tham gia cất giữ gỗ lậu của cả cán bộ xã. Phóng viên Báo SGGP từng ở xã Trung Hóa, rốn gỗ lậu ở vùng rẻo cao Minh Hóa, chứng kiến đây là trung tâm gỗ lậu không chỉ của Quảng Bình mà còn thu hút gỗ lậu ngay cả Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Nội. Cán bộ xã giữ trong nhà đầy các tấm gỗ làm phản và vô tư tiếp thị với chúng tôi về giá cả và cách đưa xuống Đồng Hới, qua mặt các trạm gần đèo Đá Đẽo bằng phương pháp chuồi tiền như thế nào.

Vì sao có nhu cầu gỗ lậu như vậy? Trả lời câu hỏi này không đơn giản nhưng nếu vào bất cứ nhà nào đang xây chắc chắn căn nhà đó sẽ được giới buôn bán gỗ lậu đến săn sóc, tiếp thị. Bạn sẽ có nhiều lựa chọn từ nhiều đầu nậu gỗ, ai rẻ nhất được chấm và xe chở đến nhà, mọi việc “thông cầu”, “thông đường” được giới đầu nậu gỗ lo. Ai là người sử dụng gỗ lậu? Không khó để trả lời câu hỏi này. Họ là công chức nhà nước, tiểu thương, giới chủ tư nhân…

Những tìm hiểu của chúng tôi cho thấy có sự tiếp tay tích cực để những đầu nậu gỗ vận hành đường dây của mình. Nó cũng đồng nghĩa ép rừng vào chỗ chết. Thâm nhập vào giới lâm tặc ở huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, việc phá lậu rừng đang diễn ra không phải “bừa bãi”, “hỗn loạn” như trước đây ưa gì chặt nấy mà đã trở nên chuyên nghiệp hơn. Nhu cầu giới chủ cần loại gỗ nào, các đầu nậu gỗ đặt hàng cho lâm tặc địa phương vào rừng khai thác, chúng ứng tiền trước cho người đốn gỗ lậu lo chặt phá đủ số lượng và đưa ra bìa rừng. Lợi nhuận từ gỗ lậu rất lớn. Mỗi thanh lim ngoại giá trước đây chỉ 400.000 đồng, sau đó tăng lên 750.000 đồng và nay đã lên đến 1.200.000 đồng. Đồng tiền ám ảnh, lâm tặc sẽ hạ thủ rừng để kiếm lợi.

Khi công chức và người tiêu dùng các giới còn sử dụng gỗ lậu, chắc chắn những chuyến xe như ở Nghệ An vẫn còn và cuộc chiến giữ rừng sẽ khốc liệt hơn. Còn sử dụng gỗ lậu sẽ tiếp tay cho lâm tặc. Còn sử dụng gỗ lậu sẽ đẩy các khu rừng vào hồi tuyệt diệt nhanh hơn. Hành lang pháp lý bảo vệ rừng mới chỉ dựa trên việc bảo vệ từ ngọn và lỏng lẻo ở khâu quan trọng nhất - sử dụng sản phẩm lậu. Nên chăng cần có những quy định cấm đảng viên, công chức sử dụng gỗ lậu. Các ngành khác như công an, quân đội, y tế, giáo dục, công thương, văn hóa, du lịch, thể thao… cũng có những văn bản cấm như trên. Cần có những quy định pháp luật cụ thể buộc chủ đầu tư các công trình xây dựng không dùng gỗ trái pháp luật.

MINH PHONG

Post a Comment

 
Top