Xem thêm "tin tức nội thất gia đình Đăng Khoa mart Sửa máy văn phòng Tăng giá vé thăm vịnh Hạ Long, có nên không? GuidePedia

0

Không hiểu sau đợt tăng giá vé tới Hạ Long, bao nhiêu khát vọng đến thăm di sản này sẽ bị đình lại?

Quyết định 3620/2011/QĐUBND của tỉnh Quảng Ninh về việc: “Từ 1/12/2011, Vịnh Hạ Long sẽ tăng giá vé lên gấp đôi”, đã gây ra những bức xúc cho các doanh nghiệp du lịch lữ hành và khách du lịch.

Vẫn biết việc tăng giá vé, tăng chi phí với một điểm tham quan là chuyện bình thường, thế nhưng việc tăng lên tới 100% giá này, diễn ra tại thời điểm Vịnh Hạ Long vừa lọt vào danh sách “có thể” trở thành 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới, đã khiến dư luận đặt ra nhiều nghi vấn. Và việc tăng giá vé như vậy liệu đã đúng với chủ trương quảng bá di sản?

Theo đại diện của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, có 3 lý do để tăng giá gấp đôi là: Vịnh Hạ Long vừa vào danh sách 7 kỳ quan mới; nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ; đồng tiền mất giá, lạm phát leo thang. Xem ra những lý do được đưa ra không thuyết phục.

Vịnh Hạ Long đã được vào danh sách, và rất có thể đầu năm sau 2012 được mạng New7wonder công nhận, đương nhiên khách du lịch phải đến đông hơn với điểm đến này, nếu vậy Ban Quản lý Vịnh nên đưa ra những hoạt động chuẩn bị, quảng bá, thậm chí là giảm giá vé cho khách nội địa, đưa ra những chương trình khuyến mại hấp dẫn cho khách nước ngoài, mở rộng thêm các sản phẩm du lịch đặc trưng Hạ Long… để du khách thực sự thấy yêu Hạ Long, chứ không phải nhân có sự kiện này mà tăng giá vé.

Khách tới Hạ Long phải móc thêm hầu bao trả gấp đôi tiền vé

Việc tăng giá vé lần này là “ăn theo” sự kiện “trở thành kỳ quan thiên nhiên thế giới mới”, mà đứng ở góc độ khách du lịch, những người trong thời gian qua đóng góp không nhỏ cho việc bình chọn, họ cảm thấy mình bị lợi dụng.

Ban Quản lý Vịnh đưa ra lý do tăng giá vé để nâng cao chất lượng dịch vụ cũng chưa thoả đáng. Từ lâu chất lượng dịch vụ du lịch tại Vịnh Hạ Long đều được các hãng lữ hành đánh giá là “nghèo nàn và chưa đáp ứng”. Tuy nhiên, do thời gian khách lưu trú tại Vịnh không dài (khoảng từ 1-2 ngày) nên chất lượng dịch vụ kia cũng chưa phải mối bận tâm lắm. Nếu lần này tăng giá vé là để nâng cao chất lượng dịch vụ, thì các công ty lữ hành phải được thông báo trước tối thiểu 6 tháng, để còn kịp điều chỉnh dịch vụ và giá thành cho du khách.

Lộ trình tăng giá không đảm bảo, nhất là lần này tăng gấp đôi giá chắc chăn sẽ gây khó khăn cho các công ty lữ hành. Và nếu đứng ở góc độ lợi ích tạm thời thì nhiều công ty lữ hành sẵn sàng bỏ tuyến điểm Hạ Long. Như vậy việc tăng giá vé vội vàng sẽ lợi bất cập hại.

Ban Quản lý Vịnh lại đưa ra nguyên nhân là do lạm phát leo thang, đồng tiền mất giá để tăng giá vé thì thật thiếu thuyết phục. Lạm phát, mất giá là vấn đề vĩ mô, các ngành các địa phương đều phải gánh hậu quả chứ không riêng ở vịnh Hạ Long. Việc tăng giá vé để bù lại những tổn thất này phải có lộ trình và đưa được ra những luận chứng thuyết phục. Tăng bao nhiêu phần trăm? Tăng với những đối tượng nào? Và thời gian tăng này được áp dụng trong bao lâu? Đằng này Quyết định 3620 chỉ đưa ra các mức tăng giá mà không giải thích, việc ký quyết định này cũng diễn ra hết sức vội vàng.

Đợt bình chọn cho Vịnh Hạ Long vừa qua, nhiều người Việt Nam và cả bạn bè quốc tế chưa từng đến Hạ Long nhưng vẫn hăng hái bình chọn. Họ làm như vậy xuất phát từ tình yêu với di sản thiên nhiên có một không hai này. Nhiều người trong số họ cũng ước ao có được một lần đến thăm Vịnh Hạ Long trong thời gian gần nhất. Không hiểu sau đợt tăng giá “vội vàng” này, bao nhiêu khát vọng đến thăm Vịnh Hạ Long sẽ bị đình lại? Yếu tố quan trọng làm nên du lịch Hạ Long chính là quảng bá di sản đã không đi đúng hướng.

Trong chương trình Tôn vinh các hãng lữ hành quốc tế đưa khách đến Việt Nam, do Tổng Cục Du lịch tổ chức đầu tháng 12 vừa qua, Ban Tổ chức đã đưa giám đốc, các nhà quản lý nhiều hãng lữ hành quốc tế đến Hạ Long. Họ đều bày tỏ tình yêu với điểm đến này và mong muốn Việt Nam tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế.

Không hiểu việc đột ngột tăng giá vé đến Hạ Long lần này có ảnh hưởng đến quan điểm của các bạn hàng lữ hành quốc tế hay không? Và liệu lộ trình đón 10 triệu khách vào năm 2020 của ngành du lịch có thực hiện được không, nếu như chúng ta vẫn cứ kinh doanh theo kiểu “ăn xổi ở thì” như thế này?./.

Tự Minh

Post a Comment

 
Top